Điển hình như Eximbank, Sacombank với những đồn đoán về diễn biến nhân sự cấp cao trong mùa ĐHĐCĐ năm nay. Đây là hai ngân hàng lỗ nặng trong quý IV.2015, đặc biệt, Eximbank còn bị kiểm toán điều chỉnh lợi nhuận năm 2014, 2015 từ lãi sang lỗ nặng và cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh cáo.
Eximbank và Sacombank sẽ có biến động lớn về nhân sự
Theo nguồn tin của Dân Việt, Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Minh Quốc, vừa gửi đơn xin từ nhiệm. Nếu được thông qua, ĐHĐCĐ vào ngày 29.4 tới của Eximbank sẽ lại “nóng” vấn đề nhân sự và người thay thế ông Quốc.
Câu chuyện nhân sự của Eximbank khá phức tạp, bởi ông Quốc vừa được ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 12.2015 bầu. Tại sao ông Quốc lại xin từ nhiệm khi vừa ngồi vào ghế nóng chưa đầy 4 tháng? Ai sẽ là ứng cử viên thay ông Quốc? Đây sẽ là chủ đề nóng của cổ đông Eximbank.
Cũng theo nguồn tin của Dân Việt, ứng cử viên cho chức Chủ tịch HĐQT lần này là đại diện đến từ Vietcombank. Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng lịch sử sẽ lặp lại, Vietcombank tiếp tục sứ mệnh “vực dậy” Eximbank.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, từng nói nhìn lại quá khứ, những năm 1990, Eximbank cũng đã từng liên quan đến một vụ án kinh tế, sau đó chúng ta phải đưa Vietcombank vào quản lý.
“Trong thực tế, Nhà nước không bỏ một đồng nào vào Eximbank, vì sao Eximbank “sống lại” được? Vì chúng ta cho ngân hàng cơ hội, xử lý bằng biện pháp kinh tế”, Thống đốc phân tích.
Tin đồn này cũng có cơ sở, khi trưa ngày 6.4, ông Quốc đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết, Thành viên HĐQT làm Tổng Giám đốc Eximbank. Ông Lê Văn Quyết, người từng công tác tại NHNN tỉnh Đồng Nai, từng giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa và trở thành thành viên HĐQT Eximbank từ ngày 15.12.2015.
Ông Quyết mới được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15.12.2015, với tỷ lệ phiếu bầu đạt 62,26%. Khi đó, ông là ứng viên do nhóm cổ đông đại diện tỷ lệ sở hữu 11.29% đề cử và đồng thời cũng là người đại diện phần vốn góp của Vietcombank.
Cùng với Eximbank, Sacombank cũng là ngân hàng có nhiều đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao. Theo nguồn tin của Dân Việt, vào cuối tháng 4 này, Sacombank sẽ bổ nhiệm chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc mới. Nhân sự mới này được cho là người của ông Đặng Văn Thành, người sáng lập và gây dựng Sacombank trong suốt hơn 20 năm qua.
Nếu đúng như vậy, chủ đề nhân sự sẽ nóng tại ĐHĐCĐ của Sacombank trong năm nay. Tuy nhiên, đến nay, Sacombank vẫn chưa có báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 và lịch họp ĐHĐCĐ năm 2016.
Nhiều ông lớn ngân hàng lỗ nặng
Có lẽ cổ đông của Sacombank không khỏi “sốc” khi ngân hàng này bất ngờ thông báo lỗ nhiều nhất trong quý IV.2015. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2015, quý IV, Sacombank bị lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.
Lý do thua lỗ cũng đã được ngân hàng này giải trình, tuy nhiên, cổ đông chắc chắn sẽ chất vấn HĐQT và ban điều hành của ngân hàng.
Bết bát nhất là Eximbank với khoản lỗ lên tới 935 tỷ đồng trong quý IV.2015. Đáng nói hơn,báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán đã “bóc mẽ” khoản lợi nhuận ảo của Eximbank trong 2 năm qua. Và theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Eximbank phải điều chỉnh phần lợi nhuận chưa phân phối đến thời điểm cuối năm 2014 còn -834,56 tỷ đồng; giảm 948,5 tỷ đồng so với ban đầu.
Điều này cũng ảnh hưởng đến năm 2015 khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là -817,47 tỷ đồng.
Việc thua lỗ 2 năm liên tiếp đã khiến cổ phiếu EIB của Eximbank bị rơi vào diện cảnh báo. Chắc chắn, cổ đông sẽ không khỏi bức xúc với kết quả này. Đầu năm 2015, cổ đông vui hơn với kết quả lợi nhuận có vẻ khả quan, tuy nhiên, càng về cuối năm càng bết bát.
Trong 3 năm trở lại đây, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. Quý IV.2013 là quý đầu tiên Eximbank báo lỗ, với lợi nhuận sau thuế âm 221,6 tỷ đồng. Riêng quý IV.2014 dự phòng 869 tỷ đồng (gấp 5 lần mức dự phòng cùng kỳ 2013) đã khiến ngân hàng lỗ tới 678 tỷ đồng.
Một ngân hàng nữa cũng sẽ phải đối mặt với những phải ứng gay gắt từ cổ đông là ABBank. Đến nay ngân hàng này vẫn chưa có báo cáo tài chính kiểm toán và lịch họp ĐHĐCĐ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, ABBank đã bị lỗ trong quý IV.2015 là 168 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái ngân hàng này cũng bị lỗ gần 48 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.