"Biện pháp tư pháp" áp dụng với Đại tá Phùng Anh Lê là biện pháp gì?

Đình Việt Thứ tư, ngày 22/09/2021 11:48 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã trao đổi với PV Dân Việt những phân tích xung quanh cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp tư pháp với Đại tá Phùng Anh Lê - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin tối qua (21/9), Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thực hiện các lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp tư pháp đối với đối với ông Phùng Anh Lê - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ.

Lực lượng chức năng khám xét nhà đại tá Phùng Anh Lê. Clip: Đình Việt

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi cơ quan chức năng tiến hành hành khám xét tức là đã khởi tố vụ án. Khi khởi tố vụ án, các biện pháp tư pháp được áp dụng, theo khoản 1 điều 46, biện pháp tư pháp bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm…

Vi phạm của đại tá Phùng Anh Lê sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

3 xe biển anh 80A có mặt tại khu vực nhà đại tá Phùng Anh Lê. Ảnh: Đình Việt.

Chủ thể thực hiện các biện pháp tư pháp là cơ quan tiến hành tố tụng. Các biện pháp tư pháp là các biện pháp có tính cưỡng chế nên chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền áp dụng mà không phải bất kì cơ quan, cá nhân, tổ chức nào có thể tùy tiện áp dụng. Trong vụ việc này thẩm quyền thuộc Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao.

Theo luật sư Hòe, trước đó, đại tá Phùng Anh Lê – Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. 

Vụ việc đã được Công an TP Hà Nội chuyển sang Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Vị luật sư phân tích, hoạt động tư pháp là những hoạt động có liên quan đến việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án. 

Những hoạt động này nhằm thực hiện quyền tư pháp là quyền phán xét, đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người cũng như đối với các quyết định, văn bản của cơ quan, tổ chức.

Chủ thể thực hiện hoạt động tư pháp chủ yếu là cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án) và một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bổ trợ tư pháp.

Hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn trên cơ sở các quy định của pháp luật, theo chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. 

Do đó, những chủ thể và hoạt động nêu trên mà xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án đều có thể trở thành chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Theo quy định tại Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Vi phạm của đại tá Phùng Anh Lê sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 4.

Trước đó, đại tá Lê bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: N.H

Nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộluật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391). Căn cứ vào chủ thể thực hiện hành vi phạm tội mà các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được phân thành ba nhóm sau:

Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này) bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385.

Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người tham gia tố tụng (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các Điều 380, 382, 283, 386, 388. Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người tham gia tố tụng có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe cho rằng, đại tá Phùng Anh Lê là người có chức vụ, ông này bị đình chỉ vì có hành vi vi phạm liên quan đến việc giải quyết, xử lý một số đối tượng khi còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ.

Vụ việc ông Phùng Anh Lê đang liên quan là dấu hiệu vi phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Trong nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội được quy định tại Điều 369 Bộ luật hình sự.

"Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm" – luật sư Hòe thông tin.


.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem