Biệt thự cổ trăm tỷ bỏ hoang: Của đau… ai xót?

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 01/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Có một thực tế, đó là rất nhiều biệt thự cổ thuộc quản lý của Nhà nước đang bị bỏ hoang vì không có người thuê vì rất nhiều nguyên nhân. Điều này gây ra sự lãng phí và ngân sách thì lại thất thu.
Bình luận 0

Hiện quản lý và cho thuê đất công thuộc sở hữu Nhà nước trong đó đặc biệt là các biệt thự cổ trên địa bàn Thủ đô chưa hiệu quả, lãng phí, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đáng nói, hiện trạng những biệt thự cổ này diễn ra nhiều năm, song chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Trong khi đó, khối tài sản thuộc sở hữu Nhà nước hoặc kết hợp sở hữu Nhà nước - tư nhân đã và đang xuống cấp, hư hỏng cùng thời gian.

Nhiều biệt thự cổ bỏ hoang, xuống cấp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả, gây thất thu thuế (Video: Thái Nguyễn)

Biệt thự cổ hàng trăm tỷ đang bỏ hoang, khó thuê bán

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Đa số các biệt thự được xây dựng khoảng 100 năm.

Nhiều biệt thự cổ nằm trên những vị trí đắc địa giữa trung tâm, song bị bỏ hoang lâu ngày đã xuống cấp nghiêm trọng, không được duy tu sửa chữa hoặc bị chuyển đội sử dụng sai mục đích. Điều này khiến số thu ngân sách từ hoạt động cho thuê nhà đất công thiệt hại đáng kể.

Người dân sinh sống tại biệt thự cổ số 57B Phan Chu Trinh phải chuyển về quê vì lo ngại tình trạng xuống cấp (Ảnh: Thái Nguyễn)

Người dân sinh sống tại biệt thự cổ số 57B Phan Chu Trinh phải chuyển về quê vì lo ngại tình trạng xuống cấp (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại các phố chính của nội thành Hà Nội như phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Hàng Bài… đều có những căn biệt thự thuộc sở hữu của TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện trạng nhiều căn biệt thự bị bỏ hoang lâu ngày, có căn bỏ hoang tàn hàng chục năm trời dù giá trị khối tài sản này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu cải tạo, sử dụng cho thuê lại, những khu đất này có giá hàng triệu/m2.

Ghi nhận của PV, tại căn biệt thự cổ kiểu Pháp nằm ở số 46 Hàng Bài - một trong những vị trí đắc địa (hai mặt tiền nằm trên hai mặt phố lớn Hàng Bài và Trần Hưng Đạo) từng là trụ sở của Nhà Xuất bản Văn học. Năm 1998, khi nhà xuất bản chuyển tới địa chỉ khác, ngôi nhà trải qua nhiều lần đổi chủ rồi bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng cho tới nay.

Căn biệt thự cổ tại số 8 Tăng Bạt Hổ rêu mốc, xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Thái Nguyễn)

Căn biệt thự cổ tại số 8 Tăng Bạt Hổ rêu mốc, xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Thái Nguyễn)

Ngay sát đó, biệt thự cổ ở địa chỉ số 51, trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nhiều hạng mục của tòa nhà đã xuống cấp nhưng không được duy tu, sửa chữa.

Căn biệt thự số 17 phố Điện Biên Phủ tọa lạc ngay tại ngã ba giao với đường Lê Duẩn nằm trên khu "đất vàng". Tổng diện tích lên đến 500m2, gồm 2 tầng, có sân vườn. Thời gian trước, biệt thự này là Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Hà Nội. Hiện tại ngôi nhà này vẫn bỏ hoang, chưa có khách thuê. Tiếp đến, căn biệt thự tại 59 phố Hai Bà Trưng đang hư hỏng nặng. Ngôi nhà này có diện tích 381m2 sở hữu tới 2 mặt tiền ở phố Phan Bội Châu và Hai Bà Trưng, cũng bỏ hoang và đang trong quá trình tu sửa dang dở.

Căn biệt thự rộng 500m2 nằm trên khu "đất vàng" , số 17 phố Điện Biên Phủ đang bỏ hoang, không có người thuê (Ảnh: Thái Nguyễn)

Căn biệt thự rộng 500m2 nằm trên khu "đất vàng" , số 17 phố Điện Biên Phủ đang bỏ hoang, không có người thuê (Ảnh: Thái Nguyễn)

Bên trong khuôn viên căn biệt thự cổ trăm tỷ toàn rác thải do bỏ hoang từ lâu (Ảnh: Thái Nguyễn)

Bên trong khuôn viên căn biệt thự cổ trăm tỷ toàn rác thải do bỏ hoang từ lâu (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo giới chuyên môn, các căn biệt thự cũ tại Hà Nội có tuổi đời trên dưới 100 năm, nên đều xuống cấp. Nhưng muốn tu sửa, cho thuê phải xin cấp rất nhiều loại giấy tờ, hồ sơ, trong đó quy định khó nhằn nhất chính là giữ nguyên hiện trạng kiến trúc cổ, không được tuỳ tiện sửa.

Đây cũng là một yếu tố khiến dòng sản phẩm này kén người thuê lại hoặc kết hợp Nhà nước và tư nhân chung tay sửa chữa. Phương án bán lại các biệt thự cổ này cũng khó khăn do đa phần nằm trên phố lớn, diện tích lớn, đều cam kết bảo tồn kiến trúc, giá có khi lên đến vài trăm tỷ, nên tệp khách hàng rất nhỏ, chỉ đại gia mới có thể tiếp cận với hàng tá quy định ngặt nghèo.

Của đau, ai xót?

Trong bối cảnh thu ngân sách từ cho thuê, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang khó khăn, số thu thấp hơn nhiều so với giá trị khối tài sản khổng lồ, việc để hoang hoá các biệt thự cổ trong nhiều năm là rất đau xót.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, một số khoản thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, nhất là khoản thu từ nhà, đất, thu đấu giá quyền sử dụng đất khi 8 tháng chỉ đạt 11.055 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán. Trước đó, năm 2021, Hà Nội đã thực hiện đấu giá khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng, chỉ đạt 53,4% kế hoạch.

Trong khi đó, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương những năm qua tăng lên nhanh chóng.

Ngân sách không chỉ thất thu, doanh nghiệp được giao đất cũng hoạt động kém hiệu quả hoặc tắc trách để kéo dài hiện trạng này nhiều năm, không bị xử lý trách nhiệm.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện chỉ có Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là khai thác hiệu quả 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường.

Còn Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị mới chỉ thực hiện việc quản lý, cho thuê và bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng được phân phối, bố trí, cho thuê trước đây đang được hưởng việc thuê và mua nhà theo chế độ, chính sách của Nhà nước quy định, theo Nghị định 61/1994 của Chính phủ.

Trong khi đó, Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý và Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của T.Ư và TP Hà Nội quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh... chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Những căn biệt thự cổ có giá hàng trăm tỷ đồng chưa được sử dụng hiệu quả, gây thất thu thuế cho Nhà nước (Ảnh: Thái Nguyễn)

Những căn biệt thự cổ có giá hàng trăm tỷ đồng chưa được sử dụng hiệu quả, gây thất thu thuế cho Nhà nước (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến đất vàng biệt thự hoang hoá, tài sản Nhà nước nằm phơi sương mà không ai phải chịu trách nhiệm là: Không có thống kê cụ thể về số quỹ đất công hiện nay. Theo báo cáo của Cục Công sản, Bộ Tài chính, 15 năm qua, cơ quan này có chủ trương sắp xếp lại đất đai thuộc quản lý Nhà nước, song đến nay hầu hết bộ, địa phương không thống kê, thông báo về con số cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các đất công hoang hoá dù bất kể lý do gì đều phải quy trách nhiệm nơi quản lý và phải tìm cách sử dụng tối đa hiệu quả tài sản Nhà nước, không thể để của đau nhưng không ai xót cả như hiện nay.

Theo chuyên gia bất động sản, hiện một số nguyên nhân khiến biệt thự cũ bỏ hoang, không thể cho thuê được do có nhiều thành phần quản lý, sở hữu, việc xác định trách nhiệm khó khăn, hầu hết vẫn trông chờ vào Nhà nước.

"Vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê trả tiền một lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán. Do đó, chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu Nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội", chuyên gia bình luận.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay trong bảo tồn, tôn tạo biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội là phải gắn mục tiêu bảo tồn với khả năng phát triển kinh tế.

Hiện nay hơn 60% số biệt thự Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội là do nhà nước quản lý nhưng chưa có một điều tra, thống kê chi tiết về các đối tượng sử dụng số biệt thự này. Chính vì thế, đất vàng, biệt thự kim cương phơi sương không ai quản kiểm và cũng không nhà quản lý nào thấy sốt ruột và xót ruột cả.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Do đó, cần bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp", ông Võ nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem