Thông tư 57 về việc phải có bình cứu hỏa trên xe từ 4 đến 9 chỗ ngồi dù chỉ mới là dừng, chưa xử phạt các xe không có bình chứ chưa phải bỏ hẳn thì người dân cũng ngầm hiểu rằng, cái sự dừng vô thời hạn ấy là tín hiệu cho việc không phải thực hiện một điều dưới luật này. Bởi dù là một điều dưới luật (các nghị định, pháp lệnh, thông tư, hướng dẫn...) nhưng vẫn được áp dụng vào đời sống và chi phối mọi hoạt động xã hội, kinh doanh không khác gì luật, và có lúc những văn bản dưới luật này lại trái, khác, vẽ vời thêm nhiều điều mà luật không nói như vậy. Và người dân thì cứ è cổ ra chịu phạt, bị chế tài, tù tội...khi vi phạm các văn bản này.
Có quá nhiều văn bản dưới luật đã lặp lại những sai trái, phức tạp trong đời sống, quan hệ xã hội mà khi ban hành luật, các nhà làm luật, các nhà quản lý xã hội hòng mong sữa chữa, lập lại trật tự nhằm tạo ra sự ổn định, an toàn trong cuộc sống. Như việc xoá bỏ giấy phép con trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Càng ngày càng đẻ thêm nhiều quy định, thông tư buộc sản xuất kinh doanh phải tốn tiền, tốn sức... để lập lại quy trình mà chủ yếu là xin cho, làm khó doanh nghiệp hoặc để nơi tạo ra văn bản ấy tổ chức việc cấp giấy chứng nhận, giấy đủ điều kiện... nhằm thu lợi cho chính nơi ban hành. Chỉ năm 2015 , Bộ KHĐT đã nêu ra hàng chục loại giấy phép con do các bộ, ngành ban hành như:
Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 25/2015 quy định việc đăng ký hoạt động, cấp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề nghiệp.
Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường có Thông tư 15/2015 v/v cấp GCN đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu.
Dự thảo Thông tư Bộ Xây dựng quy định cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Bộ Công thương dự thảo Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm buộc người kinh doanh phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Cục Xuất bản, In và Phát hành Bộ TTTT thì lại có quy định buộc biên tập viên của các nhà xuất bản phải có giấy chứng nhận là Biên tập viên rồi tổ chức các lớp (có thu tiền) để cấp chứng chỉ…
Thông tư 57 về việc phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô đã từng khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: Báo Giao thông).
Vấn đề cần đặt ra là cấp nào được phép ban hành các văn bản dưới luật này và cần có cơ quan nào có thể giám sát, kiểm tra sự hợp pháp, hợp quy của các văn bản này? Cho đến nay có thể thấy gần như các bộ, cơ quan trung ương có liên quan đến quản lý xã hội đều có thể ban hành các văn bản dưới luật mà chỉ đến khi áp dụng, gặp sự phản ứng xã hội thì mới có cơ quan (thông thường là Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT) lên tiếng.
Như thông tư 57/BCA về bình cứu hỏa trên xe do Bộ Công an ban hành lẽ ra phải có sự tham gia của Bộ GTVT. Mà khi có liên bộ tham gia thì việc ban hành văn bản ấy phải là của Thủ tướng Chính phủ hoặc người được Thủ tướng ủy quyền. Rất nhiều văn bản dưới luật được ban hành, áp dung vào xã hội mà thẩm quyền ban hành chưa đầy đủ hoặc không thể ban hành.
Có văn bản Luật đã ban hành, có hiệu lực nhưng không cơ quan nào chịu áp dụng vì còn chờ hướng dẫn của ngành chuyên môn hay ngành của mình. Vì vậy tính thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền lực của Quốc hội (đã ký công nhận) và Chủ tịch nước đã ký ban hành) do việc chờ đợi văn bản hướng dẫn này đã không thể áp dụng được.
Hầu như ngành nào có liên quan đến luật đều chờ đợi có hướng dẫn thì mới áp dụng vào quản lý mà có khi hướng dẫn ấy lại sai, hoặc trái với tinh thần, ý nghĩa của luật ban hành. Có nhiều nơi đã áp dụng một vài văn bản trả lời của ngành chuyên môn về một trường hợp cụ thể để áp dụng cho những trường hợp khác, gây khó dễ cho đối tượng mà không cần biết đến luật là gì. Có cán bộ, chuyên viên cấp Sở còn nói: Doanh nghiệp mong chờ các văn bản mới ban hành để cải thiện những khó khăn bế tắc đang gặp phải, nhưng chúng tôi luôn tìm trong các văn bản đó những chỉ dẫn để siết chặt quản lý, giảm bớt trách nhiệm người quản lý.
Với một tinh thần sẵn sàng… làm khó doanh nghiệp nên nhiều chuyên viên, cán bộ lại có cách hiểu luật và văn bản dưới luật theo cách của mình để làm khó doanh nghiệp mục đích tránh trách nhiệm nhưng cũng để chờ doanh nghiệp phải biết "thông đường " mới có thể thông luật được. Do vậy, việc xuất hiện các văn bản như các hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... cái này đá cái kia và có đến vài chục văn bản huớng dẫn sửa đổi từ khi ban hành. Hoặc các thông tư về chất lượng mũ bảo hiểm, các văn bản ngành y tế nói người ngực lép, thiếu cân nặng không được lái xe ...là điều không tránh khỏi. Càng ngày các văn bản dưới luật càng nhiều, và nó đã đẩy xa những nỗ lực của Nhà nước pháp quyền mong muốn xây dựng nề nếp xã hội, làm cho mọi người, mọi ngành sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Việc ban hành các văn bản dưới Luật đã diễn ra ngày càng nhiều, và thiếu sự quản lý thống nhất của Quốc hội Bộ Tư pháp ...các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra giám sát đã cản trở những phát triển kinh tế xã hội của chúng ta. Luật pháp theo ý nghĩa của J.J. Rousseau trong “Khế ước Xã hội” đã phân định rõ là cơ quan hành pháp (các Bộ) phải phục vụ, thừa hành cơ quan lập pháp (Quốc hội), mà cơ quan lập pháp phải phản ảnh ý muốn toàn dân.
Khi cơ quan làm ra các văn bản dưới Luật sẽ gây hỗn loạn xã hội và xâm phạm đến đời sống người dân, gây ra những hiệu ứng xấu trong xã hội. Đó là cái giá phải trả cho sự hỗn loạn quyền làm luật, nhưng cái giá phải trả lớn hơn là sự thượng tôn pháp luật thiếu nghiêm minh và niềm tin của người dân ngày càng sút giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.