Bình Định: Canh tác lúa chịu ngập, mặn

Thứ hai, ngày 16/05/2011 16:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định đã xây dựng mô hình sản xuất thâm canh lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận 0

Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ của Dự án Góp phần giảm thiểu tác hại của ngập úng và xâm nhập mặn do nước biển dâng nhằm phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực do Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ. Mô hình sử dụng các các giống lúa ĐV108, SH2 trên diện tích sản xuất 10ha trong vụ đông xuân này tại 2 thôn Kim Đông và Tân Giản, với sự tham gia của 70 hộ nông dân.

img
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa tại thôn Kim Đông.

Kết quả sản xuất cho thấy, các giống lúa này khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương; có khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh khá tốt; năng suất lúa đạt cao.

Đối với giống lúa ĐV108, qua theo dõi có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày, chiều cao cây 80-85cm, kích thước hạt trung bình, màu hạt vàng sáng, năng suất vụ đông xuân từ 65-70 tạ/ha.

Giống lúa SH2 có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, chiều cao cây 80-85cm, trỗ tập trung, hạt gạo dài, cơm mềm, thơm, ngon. Giống lúa này chịu thâm canh, khả năng thích nghi các điều kiện phèn mặn, chịu được ngập úng; năng suất trung bình 65-70 tạ/ha/vụ.

Theo ông Trần Ngoạn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định, Trưởng ban điều hành và thực hiện dự án, bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình này đã giúp nông dân nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, những tác động bất lợi của thời tiết.

Theo tính toán, lợi nhuận từ các giống lúa ĐV108, SH2, đạt 18,09 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 1,84 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Trong quá trình thực hiện mô hình, các cán bộ kỹ thuật đã triển khai các giải pháp khắc phục những tác động bất lợi của thời tiết, triều cường, giúp nông dân có thêm các kỹ năng, năng lực chủ động ứng phó và giảm thiểu những tác hại, bảo vệ năng suất mùa vụ.

Ngoài ra, việc tăng cường quản lý dinh dưỡng cân đối, quản lý dịch hại theo kỹ thuật IPM trong sản xuất lúa giúp nông dân hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước… ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết thêm: Việc triển khai thành công mô hình sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu của xã Phước Hòa mở ra triển vọng cho khoảng trên 5.000ha đất sản xuất lúa các địa phương ven đê khu Đông thường xuyên bị ngập úng, xâm nhập mặn đe dọa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem