Vụ "đòi" trụ sở TAND huyện ở Bình Định: Bộ Tài chính và các cơ quan cần xử lý việc "chây ì"

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 20/05/2024 14:54 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ Bình Định "đòi" trụ sở TAND huyện Tây Sơn (cũ) mất hơn 4 năm nhưng chưa được, ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng cho rằng, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cấp trên cần có sự "đôn đốc, hối thúc" mạnh mẽ hơn.
Bình luận 0

Đặc biệt, phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi "chây ì" trong việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để tài sản công được đưa vào sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Trụ sở TAND huyện bỏ hoang suốt hơn 4 năm, gây lãng phí tài sản công trong thời gian dài

Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước (đất, nhà làm việc và tài sản khác gắn liền với đất) được xem là tài sản công, theo đó Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã nghiêm cấm việc "Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí".

Khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) cũng quy định rất rõ "Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng" hoặc "Nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được Nhà nước giao trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khác hoặc được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại địa điểm mới mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý" thì sẽ bị thu hồi. Việc thu hồi phải được thực hiện sau khi trụ sở làm việc mới được bàn giao, đưa vào sử dụng.

Bình Định

UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp vì 4 năm qua, đã có ít nhất 6 lần ký công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, các cơ quan có liên quan, đề nghị giao lại trụ sở cũ Tòa án nhân dân huyện về địa phương quản lý, nhưng chưa được. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo luật sư Nguyễn Sương, việc thu hồi nhà, đất là tài sản công không giống như thu hồi nhà, đất thông thường.

Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cùng Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) đã có những quy định rất cụ thể cả về thẩm quyền, trình tự thủ tục sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

"Do đó, việc chậm trễ xử lý nhà, đất là trụ sở làm việc cũ khi thực hiện sắp xếp lại có nguy cơ gây lãng phí tài sản công trong thời gian dài", luật sư Nguyễn Sương nói.

Đề nghị Bộ Tài chính hối thúc "mạnh mẽ" và xử lý nghiêm khắc

Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN cho hay, đối chiếu theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP), trong trường hợp này cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất là Tòa án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn phải lập báo cáo kê khai đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để gửi Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp.

Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra hiện trạng, xem xét lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Sau đó lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà, đất để hoàn thiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất. Cuối cùng là gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt theo quy định.

"Mặc dù, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công. Tuy nhiên, trong sự việc này tất cả các cơ quan có thẩm quyền đều phải có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong thời hạn luật định. Trường hợp có vướng mắc thì cần phải có ý kiến kịp thời để tháo gỡ, phối hợp xử lý nhanh chóng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau", luật sư Nguyễn Sương phân tích.

Bình Định

Trụ sở cũ TAND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Vẫn theo luật sư Nguyễn Sương, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cấp trên cần có sự đôn đốc, hối thúc mạnh mẽ hơn và xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi "chây ì" trong việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để tài sản công được đưa vào sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Trước đó, báo Dân Việt đã đăng tải bài viết: Huyện "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp vì 4 năm, ký 6 công văn nhưng "đòi" không được.

UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp vì 4 năm qua, đã có ít nhất 6 lần ký công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, các cơ quan có liên quan, đề nghị giao lại trụ sở cũ Tòa án nhân dân huyện về địa phương quản lý, nhưng chưa được.

Từ vụ việc trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho rằng, tỉnh này cần rút kinh nghiệm, từ nay trở đi các cơ quan Trung ương muốn cấp đất xây dựng trụ sở mới, thì yêu cầu, phải làm cam kết với tỉnh.

"Tỉnh sẵn sàng bố trí quỹ đất mới đẹp, thuận lợi để xây trụ sở mới và không thu tiền sử dụng đất nhưng xây xong, trụ sở cũ bắt buộc phải bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Tỉnh không tiếc gì cả nhưng phải phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem