Cúm gia cầm trở lại
Tìm đến khu nuôi vịt của ông Trần Chí Can (khu vực 4, phường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn), một hộ chăn nuôi vịt phát hiện có dịch cúm gia cầm vào đầu tháng 4, chúng tôi vẫn thấy vôi bột rắc trắng xóa đường. Ông Can rầu rĩ nói: “Cách đây 2 tuần, đàn vịt tơ 2.000 con của tôi bỗng dưng đổ bệnh, chết hàng loạt. Tôi lập tức báo cho thú y xã đến kiểm tra. Sau đó, kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm”.
|
Lực lượng thú y tỉnh tiêu hủy một đàn vịt mắc dịch cúm tại xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn). |
Tiếp đó, trong các ngày từ 22 - 24.3, đàn vịt với tổng số gần 6.000 con tại 4 hộ ND ở xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) xuất hiện tình trạng bệnh và chết hàng loạt, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy. Thời gian này, đàn vịt của 4 hộ ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu (Phù Mỹ) xảy ra tình trạng chết hàng loạt, và 3.295 con vịt đã bị tiêu hủy.
Thông báo của Trung tâm Thú y Vùng 4 Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các mẫu xét nghiệm lấy từ các đàn vịt chết trên địa bàn tỉnh đều có kết quả dương tính với virus cúm A H5N1. Như vậy, dịch CGC đã thật sự trở lại địa bàn Bình Định.
Theo Chi cục Thú y Bình Định, tỷ lệ nhiễm virus cúm H5N1 trên đàn vịt tại tỉnh hiện khá cao, theo đúng nguyên tắc phòng chống dịch CGC, cần phải tiêu hủy các đàn vịt đang mang mầm bệnh. Thế nhưng đây là việc không dễ dàng. Hơn nữa, hầu hết các hộ chăn nuôi vịt đều chăn thả tràn lan trên các cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch, các dòng sông, ao, hồ… mà không có sự quản lý chặt chẽ, càng tăng cao nguy cơ lây lan dịch CGC.
Dịch trái quy luật
Ông Lê Ngọc Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định lo lắng: “Dịch CGC bùng phát vào thời điểm nắng nóng như hiện nay là bất thường, trái quy luật. Điều đáng lo hơn cả là việc khó quản lý các đàn vịt chạy đồng, vịt mới tái đàn, phần lớn chưa được tiêm phòng. Các ổ dịch CGC vừa phát hiện trên địa bàn tỉnh hầu hết đều phát sinh từ các đàn vịt mới tái đàn”.
Ông Trần Văn Đường - một chủ hộ chăn nuôi vịt ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước) cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng có nhốt vịt tại chỗ để quản lý dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y. Nhưng nhốt luôn một chỗ thì khó kiếm đủ tiền mua thức ăn cho vịt. Tranh thủ mùa thu hoạch lúa, ai cũng đưa vịt ra đồng để tận dụng nguồn thức ăn!”.
Sau khi phát hiện các ổ dịch, Chi cục Thú y tỉnh này đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng bao vây, khống chế; hỗ trợ khẩn cấp trên 700 ngàn liều vaccin tiêm phòng cho đàn vịt. UBND tỉnh Bình Định cũng đã chi ngân sách khẩn cấp trên 700 triệu đồng cho ngành nông nghiệp tỉnh mua 2 triệu liều vaccin cung cấp cho các địa phương, thời hạn đến ngày 20.4, toàn bộ đàn vịt phải được tiêm phòng.
Theo ông Lê Ngọc Pháp, lực lượng thú y tại các địa phương quá mỏng nên không thể kiểm soát được việc các hộ chăn nuôi đưa vịt chạy đồng, các điểm buôn bán gia cầm sống, trong khi chính quyền một số địa phương vẫn còn thờ ơ, chưa vào cuộc quyết liệt.
Đào Đức Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.