Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần cơ chế đặc thù, tháo gỡ rào cản trong việc tích tụ ruộng đất

Tuấn Hùng Thứ năm, ngày 21/11/2024 06:18 AM (GMT+7)
Gửi gắm tâm tư, kiến nghị tới Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11 tới đây, nhiều hội viên nông dân ở Lai Châu quan tâm tới vấn đề tích tụ, tập trung đất đai.
Bình luận 0

Khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất

Anh Nguyễn Hữu Báu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại tỉnh Lai Châu kiến nghị về việc có cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi trong việc thuê, mua đất để hình thành vùng sản xuất mía và chuối tập trung.

Anh Báu cho biết, từ năm 2022 đến nay Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu và Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh do anh làm Giám đốc hiện đang phát triển mô hình trồng mía và chuối ở bản Tân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu. Đến nay, diện tích mía đạt gần 20ha, cây chuối đạt hơn 10ha; để đạt được diện tích mía và chuối như vậy, nhiều năm qua công ty anh đã phải bỏ nhiều công sức để vận động người dân cho thuê đất và kết hợp mua đất. 

Tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn bởi phần lớn người dân muốn giữ đất để sản xuất. Việc thuê đất hay mua đất gặp nhiều thách thức, bởi diện tích đất thuê hay mua được không tập trung, do đó không đúng với mục tiêu đặt ra của đơn vị trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung.

Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần có cơ chế đặc thù tháo gỡ rào cản trong việc tích tụ ruộng đất - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu và Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh đã và đang tìm giải pháp tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất, hình thành vùng trồng tập trung. Ảnh: TĐ

Mục tiêu đặt ra của Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu và Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh đến hết năm 2026 đạt khoảng 7.000ha mía tại các địa bàn như huyện Tam Đường, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Sìn Hồ. Tuy nhiên, đến nay phía công ty vẫn đang loay hoay bởi việc thuê đất và mua đất không được người dân đồng thuận; những diện tích thuận lợi trong việc thuê đất hay mua đất thì lại vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

"Tôi mong muốn sau diễn đàn sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù với các tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu và một số tỉnh lân cận, giúp các đơn vị có nhu cầu mở rộng vùng trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung thuận lợi trong việc thuê đất, mua đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất", anh Báu nói.

Có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc tích tụ ruộng đất

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất, ông Phạm Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Đường cho biết: HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một nghị quyết với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ rất lớn cho hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp nông thôn, bên cạnh cây thế mạnh như chè, nhiều vùng sản xuất tập trung trồng chanh leo, dứa, bí xanh, chuối… đã mở ra hướng đi mới giúp hội viên nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo.

Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần có cơ chế đặc thù tháo gỡ rào cản trong việc tích tụ ruộng đất - Ảnh 2.

Cây bí xanh hiện đang được nông dân tỉnh Lai Châu phát triển, với mục tiêu hình thành vùng trồng tập trung. Ảnh: Lan Hương

Từ nghị quyết này, hội viên nông dân tỉnh Lai Châu có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua quá trình canh tác cho thấy việc sản xuất theo quy mô lớn đã đem lại hiệu quả tích cực, đó là tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất, năng suất được tăng lên, đồng thời cũng tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.

Tuy nhiên, để tạo được bước đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, hội viên nông dân Lai Châu đang gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Nhìn từ thực tế, thời gian qua việc tích tụ ruộng đất hầu hết đều do người dân tự thỏa thuận, mua bán, trao đổi,… việc thực hiện nội dung này còn rất nhiều hạn chế, là rào cản chính trong việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn.

"Rất mong đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm lắng nghe, chia sẻ và có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù tổng thể cho các vấn đề như: Việc làm sau cho thuê đất; hành lang pháp lý, hướng dẫn việc thuê và cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp, cũng như việc hướng dẫn của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân làm các thủ tục thuê đất", ông Phương nêu đề xuất.

Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần có cơ chế đặc thù tháo gỡ rào cản trong việc tích tụ ruộng đất - Ảnh 3.

Tổng diện tích cây chanh leo được nông dân huyện Tam Đường, Lai Châu phát triển đạt trên 300ha. Ảnh: TĐ

Ông Phương bày tỏ, rất mong trong quá trình hoàn thiện chính sách liên quan tới việc tích tụ ruộng đất, cần tính đến việc tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho các nhóm yếu thế như: nông dân sản xuất quy mô nhỏ hay người dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh khung chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp cần bao gồm các khía cạnh khác nhau như: phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể và bảo đảm phát triển bền vững cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem