Ông Đoàn Quang Ngọc từng là bộ đội, tham gia chiến đấu trong chiến dịch biên giới phía Bắc những năm 1978, 1979. Xuất ngũ, ông trở thành công nhân kỹ thuật điện, làm tại Mỏ than Vàng Danh, cũng từng có nhà mặt phố tại phường Trưng Vương. Thế rồi, ông “bỏ phố lên rừng”, trở thành người tiên phong trong việc thuần dưỡng và nuôi nuôi hươu, nai, lợn rừng ở Uông Bí. Đến nay, chỉ tính thu nhập từ những con vật đặc sản này, ông Ngọc cùng vợ thu hàng trăm triệu/ năm.
Bên cạnh nuôi lợn rừng, hươu, nai, vợ chồng ông Quang còn trồng bạt ngàn thanh long ruột đỏ.
Cách UBND phường Phương Đông khoảng 3 km, trang trại nuôi lợn rừng, hươu, nai của vợ chồng ông Ngọc được bao quanh bởi hồ Yên Trung và rừng núi. Tại thời điểm phóng viên Dân Việt đến thăm trang trại, trong chuồng nuôi của gia đình ông Đoàn Quang Ngọc có khoảng 15 con hươu, nai và khoảng 40 con lợn rừng.
Trước đây, số lượng lợn rừng, hươu, nai ở trang trại của gia đình ông có lúc lên tới 300 con. Đến nay, tuy việc nuôi lợn rừng, hươu, nai trở nên phổ biến, số lượng được nuôi ở trang trại ông Ngọc cũng giảm so với trước, nhưng trang trại bên hồ Yên Trung của gia đình ông vẫn là một địa chỉ mà những người muốn mua nhung hươu, nai hoặc thịt lợn rừng, hươu nai thịt thường xuyên tìm đến.
Lợn rừng giống thương phẩm được nuôi trong môi trường rộng rãi, để lợn có thể tự do chạy nhảy...
Dẫn phóng viên đi tham quan khu vực chuồng nuôi lợn rừng, bà Lại Thị Thúy – vợ ông Ngọc cho biết: “Trước đây, hai vợ chồng mua lợn rừng giống, hươu nai giống tận trong Nghệ An. Riêng khu chuồng lợn rừng thì hai vợ chồng xây riêng biệt gần 500 m2, có tường bao để lợn tự do chạy, tắm ao… gần như giống với điều kiện tự nhiên. Thức ăn chủ yếu của chúng cũng toàn là cây chuối, sắn, ngô, khoai… giá thành vừa rẻ, dễ kiếm, lại là loại thức ăn mà lợn rừng ưa thích. Bởi vậy mà thịt lợn rừng chất lượng.”
Bên cạnh khu chuồng nuôi lợn rừng, bà Thúy vừa gọi đàn lợn rừng đã thuần, vừa chỉ tay giới thiệu: “Đàn lợn bố mẹ này gia đình đã nuôi được 4, 5 năm rồi. Con đực có răng nanh như kia, trọng lượng khoảng 2 tạ, còn những con lợn rừng chỉ mới nuôi khoảng 2 năm, trọng lượng khoảng 60-70 kg. Lợn rừng nuôi không tốn nhiều công, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn lợn thông thương. Tùy từng thời điểm, giá thịt lợn rừng thường xuyên dao động từ 160-170.000 đồng/kg, thậm chí có khi trên 200-250.000 đồng/kg.”
Mỗi con nai được nhốt trong một ô chuồng nhỏ riêng biệt
Nhà nuôi hươu nai của gia đình ông Ngọc rộng khoảng 150m2, chia thành hơn 20 chuồng nhỏ được đóng bằng gỗ, ngăn riêng mỗi con nai 1 chuồng, còn hươu thì 2-3 con 1 chuồng. Thức ăn mà hươu nai ăn như cỏ, lá cây đều được công nhân của trang trại cắt từ trên đồi về.
Hươu được nhốt 1 con hoặc có thể 2-3 con chung một chuồng
Bà Thúy cho biết, hươu nai khoảng 1 năm tuổi thì đã bắt đầu mọc sừng, khi mới mọc còn được gọi là nhung. Thời gian cắt nhung có thể kéo dài từ trước tết Nguyên Đán đến tháng 2, tháng 3 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cặp nhung hươu có thể nặng khoảng 400 đến 600 gram, nhung nai thì nặng hơn khoảng 1 đến 1,6 kg. Bình quân, mỗi năm có thể cắt nhung từ 1-2 lần ở mỗi con. Thậm chí có con hươu, sau khi cắt vài tháng sẽ mọc thêm nhung tái sinh. Tuy nhiên, nhung tái sinh sẽ nhẹ hơn và giá cũng rẻ hơn nhung cắt ban đầu. Mỗi con hươu đực mỗi năm có thể lấy khoảng 1 kg nhung, với giá bán khoảng 1.000.000 đồng/100 gram. Trong khi đó, giá bán nhung nai là 750 ngàn đồng/100 gram.
Thức ăn như lá cây, cỏ cho hươu hoàn toàn được cắt từ trên đồi xung quanh trang trại
Hươu, nai được nuôi nhốt tuy dễ thuần dưỡng, nhưng chúng vẫn mang bản tính nhát người. Lợn rừng giống thương phẩm, muốn đạt chất lượng cao, thịt ngon cũng cần phải có môi trường nuôi dưỡng giống với môi trường tự nhiên. Bởi vậy, thuần dưỡng và nuôi dưỡng những con vật đặc sản này không phải công việc "làm chơi ăn thật".
Ngoài thuần dưỡng và nuôi lợn rừng, hươu, nai, trang trại ông Đoàn Quang Ngọc hiện nay còn trồng thanh long ruột đỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.