Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, với sự quan tâm của Tỉnh ủy Bình Định, HĐND tỉnh và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Tính đến ngày 13/11, Bình Định đã thực hiện giải ngân được hơn 6.909 tỷ đồng, đạt 90,5% so với kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 71,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao; riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cho phép kéo dài sang năm 2023 là 677,269 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 98%.
Với kết quả trên, Bình Định nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, năm 2023, Bình Định lọt top đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 9 cả nước và đứng thứ 2 khu vực miền Trung, sau tỉnh Thừa Thiên Huế (giá trị tuyệt đối về giải ngân vốn đầu tư công, thì Bình Định cao hơn Thừa Thiên Huế).
Vẫn theo Bí thư Dũng, hai việc quan trọng nhất cần làm trong giải ngân vốn đầu tư công, là công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.
Riêng công tác chuẩn bị đầu tư, vừa rồi UBND tỉnh Bình Định trình ra HĐND nhưng theo quy định của luật, thì một số dự án chưa được chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư thì chưa có thể bố trí vốn được, vì vậy việc này Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu, tiến độ phải được đẩy nhanh.
"Dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư thì không có cơ sở bố trí vốn, nếu bố trí không đúng, sau này thanh tra, kiểm toán sẽ có ý kiến, vậy nên việc này phải làm chặt chẽ", Bí thư Dũng lưu ý và nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc.
'Lãnh đạo địa phương làm việc chưa hết trách nhiệm với dân'
Tại cuộc họp mới đây, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến ngày 15/11, tỷ lệ giải ngân thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia của Bình Định là hơn 379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,8%, thuộc top thấp so với cả nước.
Đáng báo động, đơn cử việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất của dự án 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã được phân bổ nguồn vốn từ tháng 3 và Trung ương hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, đến nay có địa phương chưa giải ngân, tỷ lệ giải ngân là 0%, có địa phương giải ngân nhưng đạt tỷ lệ thấp, gần 15%.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm này trước hết là lãnh đạo các địa phương, sở ngành, đã làm chưa đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm với nhân dân.
"Các dự án dễ, có quyền lợi thì làm, còn dự án làm cho dân thì các đồng chí lại triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rốt cuộc đổ lên người dân. Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của lãnh đạo với nhân dân, với xã hội thế nào?", ông Tuấn Thanh nói.
Phó Chủ tịch Bình Định yêu cầu, các địa phương tập trung giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và làm vì trách nhiệm với nhân dân, xã hội. Địa phương nào giải ngân không hết, phải chịu trách nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.