Bình Dương chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Trần Khánh Thứ hai, ngày 27/11/2023 06:05 AM (GMT+7)
Thương mại điện tử trở là xu hướng tất yếu để mỗi địa phương, nông dân, HTX mang sản phẩm của mình đến với thị trường toàn cầu. Để nông sản Bình Dương ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh nỗ lực tự thay đổi; nông dân, HTX vẫn cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng.
Bình luận 0

Tham gia thương mại điện tử còn nhiều khó khăn

Bà Nguyễn Minh Tấn, nông dân trồng nấm ở xã Long Hoà (huyện Dầu Tiếng) cho biết, khó khăn chung của nông dân hiện nay là làm thế nào để bán được nông sản nhiều hơn; giá bán cao hơn trong khi chi phí tăng.

Địa bàn xã Long Hoà nằm ở vùng sâu, vùng xa của Bình Dương. "Nhiều nông dân ở địa phương chưa nắm rõ nền tảng số, cách tiếp cận cũng như giải quyết hiệu quả đầu ra bằng công nghệ số", bà Tấn cho biết.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) kể, thời gian qua, HTX được các cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm bưởi đạt chứng nhận Ocop của HTX cây ăn quả Tân Mỹ bày bán trong cửa hàng tiện lợi ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm bưởi đạt chứng nhận Ocop của HTX cây ăn quả Tân Mỹ bày bán trong cửa hàng tiện lợi ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Sang cho rằng đây là cơ hội để các HTX, nông hộ biết thêm các hình thức bán hàng mới thông qua các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, nhiều xã viên và nông dân chưa có kỹ năng sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, chưa tiếp cận được các hình thức quảng bá và thanh toán thu mua trong thời đại chuyển đổi số.

"Vì thế, HTX mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhằm số hóa dữ liệu toàn bộ quy trình sản xuất cũng như kinh doanh", ông Sang nói.

Ông Nguyễn Hồng Quyết – Chi Hội phó Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương nhìn nhận, thực tế nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp địa phương chưa có sự chuẩn bị kỹ cho hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm của mình.

Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh chưa công khai giá sản phẩm; bao bì sản phẩm chưa toát lên được tính chất đặc sản vùng miền. Nhiều sản phẩm phẩm thậm chí không cung cấp mã truy xuất nguồn gốc cũng như quy cách của sản phẩm.

Điều này đã vô tình đánh mất cái nhìn thiện cảm ban đầu của khách hàng đối với sản phẩm; dẫn đến việc đánh mất cơ hội khách hàng tiếp cận, tìm hiểu và mua sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Quyết – Chi Hội phó Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Hồng Quyết – Chi Hội phó Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Quyết, thời gian qua, Sở NNPTNT, Hội Nông dân tỉnh cùng các ban ngành liên quan đều có nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số. Tuy nhiên thực tế chuyển đổi số nông nghiệp còn không ít thách thức.

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay.

"Do đó, để nông sản Bình Dương ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh nỗ lực tự thay đổi; nông dân, HTX vẫn cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng", ông Quyết đề nghị.

Phối hợp giúp nông dân tham gia chuyển đổi số

Theo Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu quả tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, giúp năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể. Chuyển đổi số giúp kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân.

Hội Nông dân Bình Dương phối hợp tổ chức chuyên đề Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh. Ảnh: Trần Khánh

Hội Nông dân Bình Dương phối hợp tổ chức chuyên đề Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh. Ảnh: Trần Khánh

Ở vai trò của mình, Hội Nông dân đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về việc tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Thỏa thuận có 5 chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh phối hợp hỗ trợ thu thập đưa thông tin của ít nhất 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch Posmart.vn/Agri-posmart.vn.

Khó khăn lớn nhất là nhiều người vẫn quen cách làm cũ, chưa sẵn sàng chuyển đổi, học hỏi và ứng dụng số. Nhận thức nhu cầu này, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ tổ chức những chuyên đề, tìm giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh.

Các chuyên đề nhằm giúp nông dân Bình Dương đưa sản phẩm đến khách hàng thông qua các kênh bán lẻ online bằng những cách thức như tạo trang bán hàng, khuyến mãi, quảng bá, tạo sự kiện và chăm sóc khách hàng.

Mới đây, Hội Nông dân tỉnh cùng Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp mở lớp tập huấn Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp để giúp tăng tính liên kết, giảm rủi ro, giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận.

Khách hàng dùng điện thoại truy xuất nguồn gốc sản phẩm Ocop của huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Khánh

Khách hàng dùng điện thoại truy xuất nguồn gốc sản phẩm Ocop của huyện Phú Giáo (Bình Dương). Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, nâng cao năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân thông qua sử dụng smartphone, khai thác internet, sử dụng các phần mềm ứng dụng sản xuất và tiêu thụ nông sản, bán hàng trực tuyến... Việc này giúp hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Sở TT&TT phối hợp hỗ trợ nông dân, HTX tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử như thiết lập, sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng, hỗ trợ xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bản thân ngành thông tin truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng, bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao...

"Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp", ông Yên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem