Bình Dương giải cứu BĐS: Nhà ở xã hội có đến tay công nhân?

Chủ nhật, ngày 19/05/2013 06:52 AM (GMT+7)
Dân Việt - Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Đức – Phó tổng giám đốc Becamex IDC (Bình Dương), đơn vị chủ đầu tư thành phố mới Bình Dương và dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương.
Bình luận 0

Thưa ông, hiện nay tại các khu đô thị Mỹ Phước, Becamex đã xây nhiều căn hộ thương mại nhưng hiện hàng nghìn căn nhà bỏ hoang. Điều này cũng lặp lại ở thành phố mới Bình Dương. Trong khi chưa giải xong bài toán khó này, Becamex đã quay sang xây dựng nhà ở xã hội, ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Các anh đặt vấn đề tại sao cách đây mấy năm không làm, đơn giản vì lúc đó chưa có nhu cầu. Khu công nghiệp Mỹ Phước cách đây 5 năm chỉ là khu rừng nhưng do yêu cầu phát triển công nghiệp, chúng tôi ưu tiên phát triển công nghiệp trước, làm đường sá để thu hút các nhà đầu tư vào và khi nhà đầu tư đã lấp đầy rồi mới có công nhân nhiều thì lúc đó mới giải quyết vấn đề nhà ở công nhân. Cách đây 2 năm (từ năm 2008) do khủng hoảng tài chính thế giới, các nhà đầu tư vô chậm lại.

img

Các anh lên Mỹ Phước thấy khu nào trống vậy nhưng đã có người xí chỗ rồi. Quy hoạch khu đô thị hiện giờ đang làm là chúng tôi đón đầu sau khủng hoảng, chúng tôi sẽ có quỹ đất sẵn rồi. Còn mấy căn hộ mà các anh thấy hiện giờ đang không có người ở đó là những căn hộ mẫu thôi, rất là nhỏ mà hiện giờ đã có chủ, chúng tôi bán lấy tiền hết rồi. Bán cho dân thành phố lên mua để cho thuê lại, nó không ảnh hưởng tài chính của người mua. Họ mua không phải để ở mà để lướt sóng thôi. Cái anh nói lên mà không có người ở là đúng, vì do ảnh hưởng chung.

Ông vừa nói đất, nhà ở đô thị Mỹ Phước đã bán hết vậy tại sao Becamex khu chợ đã có quy hoạch mà vẫn chưa làm để phục vụ người dân ở đây?

- Chúng tôi xây những khu chợ đó sau này chúng tôi không cho thuê mà ưu tiên cho một số tiểu thương, nhất là những người trong vùng giải tỏa trước đây họ làm nông nghiệp giờ họ có nhu cầu chuyển qua bán tạp hóa, bán cá, bán mắm…cho họ thuê mặt bằng ở đó miễn phí trong vòng hai năm.

Đến năm thứ 3 họ phải đóng phí để phục vụ cho việc vệ sinh, bảo vệ, còn khấu hao tài sản khu chợ đó chúng tôi cấp không cho người dân. Tại sao bây giờ vẫn đang để trống chưa xây dựng vì không có tiểu thương, không có công nhân đến mua thì tất nhiên nó bỏ không. Bây giờ chưa có nhu cầu thì tụi tôi ngưng xây. Sau này sẽ làm nhưng với điều kiện lấp đầy khu công nghiệp, thì tiến trình cũng phải 2-3 năm nữa.

Dù nhà ở xã hội đang thiếu nhưng người công nhân cũng không thể nào với tới với cái giá như hiện nay công ty đưa ra?

- Trước giờ công nhân vẫn có chỗ ở chứ không phải không nhưng ở lụp xụp, cách đây 1-2 năm thì tỉnh cũng đã thấy chuyện đó rồi. Người công nhân rất là cực vì đồng lương của họ có hạn thôi. Bốn năm công nhân thuê một phòng trọ 300 nghìn/tháng, chia cho 5 người thì chỉ có tốn 60.000 đồng/người thôi, đời sống công nhân rất cực khổ.

Becamex “hy sinh” 200 héc ta đất cho vấn đề xây dựng nhà ở xã hội để từ đây đến 2015 sẽ giải quyết 60.000 căn hộ nhưng cũng chỉ giải quyết cho 120.000 chỗ ở thôi. Riêng trong năm 2013, chúng tôi làm trước 5.000 căn, mỗi căn bình quân 30m2, giá 3 triệu đồng/m2, tức khoảng 100 triệu đồng/căn.

img

Chừng nào chúng tôi giải quyết hết 5.000 căn này chúng tôi mới làm tiếp theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng hiện nay khó khăn nhất là người công nhân không thể bỏ ra 30 triệu đồng một lúc (30%). Còn lại 70% thì Chính phủ nói có thể ngân hàng cho vay lãi suất 6% theo Nghị quyết 02 nhưng hiện nay chỉ mới trên giấy thôi.

Cái khó ở đây là công nhân tiếp cận ngân hàng rất khó khăn, lãi suất hiện nay đều trên 10%/năm. Riêng Bình Dương để phục vụ chương trình nhà ở xã hội cần phải có 6.000 tỷ đồng để các ngân hàng cho vay với lãi suất 6%/năm.

- Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem