Bình Dương: Một tỷ phú nông dân lãi 8 tỷ/năm nhờ chăn nuôi công nghệ cao, trồng trái cây đặc sản và nuôi chim yến
Bình Dương: Một tỷ phú nông dân lãi 8 tỷ/năm nhờ chăn nuôi công nghệ cao, trồng trái cây đặc sản và nuôi chim yến
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 16/09/2020 06:35 AM (GMT+7)
Từ số tiền 800.000 đồng vốn dắt lưng ban đầu giờ ông làm nên số lãi ròng 8 tỷ đồng mỗi năm. Đó là số tiền lãi ông tỷ phú nông dân Tống Văn Hướng (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) thu được từ mô hình chăn nuôi công nghệ cao, trồng trái cây đặc sản và nuôi chim yến...
Nhưng con số đó vẫn chưa muốn dừng lại với mô hình làm giàu của ông nông dân tỷ phú Tống Văn Hướng (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).
Chúng tôi ghé thăm trang trại Phương Nam khi ông Hướng vẫn đang mải mê bàn phương án làm ăn mới với đối tác. Đến khi quá giờ trưa, ông mới nhớ ra, mình còn cuộc hẹn với cậu phóng viên đang ...đi lạc trong vườn cây ăn trái rộng tới 20ha.
Clip: Lạc vào trang trại trồng cây ăn trái đặc sản kết hợp chăn nuôi của ông Tống Văn Hướng, tỷ phú nông dân ở xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ông Tống Văn Hướng là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020, đại diện tỉnh Bình Dương.
Năm 1994, từ tỉnh Hải Dương, ông Tống Văn Hướng đưa gia đình và người thân vào đất Bình Dương lập nghiệp.
Người tiên phong làm trại lạnh nuôi gà
Ông Hướng vẫn không quên những ngày tháng cơ cực khi cuộc sống mới chỉ lận lưng đúng 800.000 đồng làm vốn. Khi đó, vợ ông phải đi làm công nhân cho công ty cao su Dầu Tiếng, còn ông thì xin vào dạy cho trường tiểu học Minh Hòa.
Nhận thấy mảnh đất này có nhiều tiềm năng trong khi cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, năm 1999, ông Hướng thực hiện bước thay đổi lớn đầu tiên nơi vùng đất mới đó là nghỉ dạy học để chuyển sang làm nông dân.
Nhờ bà con và xóm giềng góp vốn, ông mua 1ha đất đầu tiên để trồng cây tiêu, cây điều. Thời đó nông sản có giá, nhất là hạt tiêu, hạt điều, ông tích cóp rồi vay mua thêm 2ha nữa để trồng xen canh khoai mì trên đất cao su.
"Lúc đó, tôi bắt đầu nuôi gà thả vườn và ấp ủ ước mơ làm trang trại Phương Nam", ông Hướng nhớ lại.
Khi công việc đang xuôi chèo mát mái thì dịch cúm gia cầm ập tới. Đó có lẽ là sự cố lớn và đáng nhớ nhất của ông Tống Văn Hướng.
Toàn bộ 4 trại nuôi gà với tổng đàn 30.000 con, tương đương 100 tấn gà thịt phải đem chôn tiêu hủy.
Với giá bán gà thịt lúc đó khoảng khoảng 25.000-30.000 đồng/ký, ông Hướng mất gần 3 tỷ đồng. "Suy sụp! Tôi tưởng lúc đó ý định làm kinh tế gãy gánh giữa đường luôn", ông nhớ lại.
Nhưng sau khi nghĩ lại, ông thấy chính vì kiểu nuôi trại hở, đàn gà chăn thả tràn lan, không kiểm soát nên mới xảy ra dịch cúm. Nếu chăn nuôi gà bằng trại lạnh sẽ hạn chế được tối đa nguồn lây nhiễm, không sợ gì dịch bệnh tấn công vào trại gà.
Nhưng thời điểm năm 2003, công nghệ nuôi gà ttrong trại lạnh còn mới mẻ lắm, và số vốn đầu tư cũng không ít ỏi gì.
Tuy nhiên, mức đầu tư cao thì độ an toàn cao hơn, đồng nghĩa với việc thu nhập bảo đảm hơn. "Được sự hỗ trợ kỹ thuật, phương án kinh doanh từ các công ty chăn nuôi lớn, tôi thế chấp sổ đỏ để quyết tâm làm lại từ đầu", ông kể.
Năm 2003, ông Tống Văn Hướng là một trong những nông dân đầu tiên đưa mô hình nuôi gà lạnh về tỉnh Bình Dương.
Từ năm 2005, 6 trại nuôi gà lạnh giúp ông Hướng thu lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2008, ông sở hữu tổng cộng 7 trại gà lạnh, và 2 trại nuôi heo. Cũng từ mô hình nuôi gà, nuôi heo trong trại lạnh này, phong trào đầu tư vốn chăn nuôi hiện đại, khép kín lan ra khắp địa phương.
Làm trang trại trồng trái cây đặc sản
Đánh giá được tìm năng phát triển từ nguồn đất, nguồn nước ở kế bên lòng hồ Dầu Tiếng, từ năm 2005-2012, ông Hướng lại lấy lợi nhuận từ các trại chăn nuôi mua thêm 15ha đất nữa để phát triển cây ăn trái và làm nhà nuôi chim yến.
Kể thì ngắn gọn vậy thôi chứ để ông Hướng có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình dài nỗ lực vượt khó. Theo ông Hướng, ngoài tâm huyết hướng đến nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; điều quan trọng là bản thân nông dân phải không ngừng học tập để bủ sung kiến thức, cập nhật công nghệ mới cho những bước đi phù hợp.
Ngay từ những ngày đầu làm nông nghiệp công nghệ cao, ông Hướng đã chọn theo học lớp trung cấp nông lâm của tỉnh Bình Dương theo hệ vừa học vừa làm.
Tại đây, những kiến thức chuyên ngành về cây trồng vật nuôi lẫn kinh nghiệm quản lý trang trại, quản lý kinh tế nông nghiệp được ông tích cóp để áp dụng cho công việc.
Ông Hướng kể, chính quãng thời gian làm Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Hòa (1999-2012) cũng giúp ích rất nhiều cho bản thân và các hội viên nâng cao kiến thức thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các hội thảo chuyên đề.
Từ các lớp học này, ông tham gia gầy dựng trung bình từ 4-5 mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình mỗi năm cho địa phương.
Nhưng quá trình phát triển cá thể gặp rất nhiều nhiêu khê. Nguồn vốn đầu tư cho 1ha cây ăn trái và phát triển thành trang trại phải tốn ít nhất 500-700 triệu đồng/ha. Với số vốn đó, một nông dân riêng lẻ không thể nào đủ sức đầu tư; cũng không dễ dàng tiếp cận các nguồn vay ưu đãi.
Đến năm 2012, ông Hướng tách ra để phát triển mô hình kinh tế tập thể. Từ quá trình sản xuất nhỏ lẻ, ông cùng các hội viên, nông dân khác liên kết lại với nhau thành câu lạc bộ, rồi lên tổ hợp tác. Đến năm 2017, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát ra đời, do ông Hướng điều hành.
"Buộc phải thành lập HTX vì chỉ HTX mới có tư cách pháp nhân để làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị; để đảm bảo tiếng nói chung với sản phẩm của mình từ sản xuất đến tiêu thụ", ông Hướng phân tích.
Tính đến nay, diện tích trồng cây ăn trái các loại của HTX là 150ha, trong đó có 50ha bưởi da xanh, 20ha cam sành; 50ha quýt đường, 10ha bơ, 5ha chanh không hạt; còn lại là sầu riêng. Với sản lượng 2.000 tấn trái cây các loại, lãi ròng của HTX hiện nay khoảng 20 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. HTX đang duy trì 12 xã viên, cùng 50 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu/tháng.
"Riêng tôi đang sở hữu 30ha cao su; 20ha cây ăn trái, 7ha trang trại chăn nuôi heo, gà cùng với 8 nhà nuôi yến. Lãi ròng từ các mô hình nói trên đạt 8 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí", ông Hướng tự tin nói.
Nhưng nếu chỉ trồng cây ăn trái thì chưa thể phát huy hết tiềm năng ở trang trại Phương Nam. Đưa chúng tôi ra phía lòng hồ Dầu Tiếng, ngay sát bên vườn cây, ông Hướng bảo, đây là tiềm năng không thể thuận lợi hơn để làm du lịch.
Sắp tới, trang trại Phương Nam sẽ phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời liên kết các trang trại ở giáp lòng hồ Dầu Tiếng lại với nhau để phát triển thành chuỗi du lịch, vừa tham qua sông nước vừa thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn. Ông Hướng cho biết, dự án đang triển khai, từ năm 2022 sẽ bắt đầu đưa vào khai thác, đến 2025 sẽ hoàn chỉnh mô hình.
Theo ông tỷ phú nông dân Tống Văn Hướng, tỉnh Bình Dương có tiềm năng nông nghiệp rất mở. Hướng mở ở đây không phải chỉ làm nông nghiệp thuần túy mà phải là nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao lại tiếp tục gắn liền với du lịch để phát triển thành các trang trại sinh thái.
"Lợi thế của tỉnh Bình Dương là có Sông Bé có hồ Dầu Tiếng. Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy cho vườn sinh thái lên tầm cao mới. Đây là hướng đi giàu tiềm năng giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp", ông Hướng chia sẻ.
Với thành tích vượt khó vươn lên làm giàu trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua của địa phương, vừa qua, ông Tống Văn Hướng được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.