Bình Dương: Nhà nông mạnh dạn thay đổi để làm giàu
Bình Dương: Nhà nông mạnh dạn thay đổi để làm giàu
Trần Khánh
Thứ hai, ngày 09/11/2020 15:06 PM (GMT+7)
10 năm qua, tác động từ chính sách chuyển dịch cơ cấu đã giúp nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp ở Bình Dương mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp từ đô thị đến nông thôn đã làm gia tăng giá trị trên diện tích đất trồng.
Những mô hình hiệu quả, thích ứng thời cuộc không chỉ mang đến cuộc sống sung túc cho người sản xuất mà còn góp phần đáng kể vào xây dựng nông thôn.
Bỏ cây công nghiệp thay bằng cây ăn trái
Ông Nguyễn Văn Long ở thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) kể, nhờ cao su, nhiều nông dân ở Bàu Bàng cũng như tỉnh Bình Dương giàu lên. Gia đình ông cũng có 20ha cao su cho khai thác. Vài năm trở lại đây, giá cao su xuống thấp cùng với cây bị lão hóa, nhiều diện tích được nông dân thanh lý. Ông Long cũng bắt đầu chuyển hướng để tìm cây trồng mới có giá trị cao hơn. Năm 2016, ông Long đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha bưởi, đến nay đã cho thu hoạch. Sau đó, ông đầu tư trồng tiếp 7ha nữa.
Ông Long nhẩm tính, một ha trồng cây ăn trái sẽ tốn chi phí đầu tư gấp 5 lần so với cao su nhưng bù lại, trái bưởi cho thu nhập gấp 5 lần. Với giá bán 30.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về 600 triệu đồng. Sắp tới, khi cả diện tích 10ha bưởi cùng cho thu hoạch, lợi nhuận sẽ còn gia tăng.
Tại xã Cây trường 2 (Bàu Bàng), trang trại Mai Quốc sở hữu 40ha cao su trước đây cũng đã chuyển toàn bộ sang trồng bưởi sen cam, hiện đang cho thu hoạch với năng suất, sản lượng khá cao. Anh Trần Bùi Thanh Lâm, quản lý của trang trại kể, khi cao su lão hóa thì năng suất giảm trong khi một số vùng trên địa bàn tỉnh phù hợp với cây có múi. Sẵn diện tích ban đầu, gia đình anh trồng thử nghiệm 7ha thì thấy cây phát triển tốt. Sau đó, anh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích còn lại.
Theo anh Lâm, làm trên diện tích lớn thì phải có quy trình bài bản và vốn đầu tư lớn. Quyết định 04 về hỗ trợ đầu tư công nghệ cao của tỉnh là chỗ dựa để anh hoàn thiện mô hình. "Đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ này, gia đình chỉ có thể thực hiện chuyển đổi từng bước nhỏ. Diện tích trồng sẽ không thể phát triển nhanh như hiện tại", anh Lâm kể.
Cũng tại huyện Bàu Bàng, bà Nguyễn Thanh Thủy được xem là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh về thuần thục vùng đất hoang hơn 14ha đất trồng bạch đàn tại xã Long Nguyên. Bà Thủy nhớ lại những năm 2000, giống bưởi da xanh Bến Tre khá lạ lẫm với nhiều người dân ở nơi đây. Nhưng bà nghĩ, giống bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế, nhu cầu thị trường trong nước cao và có thể vươn ra xuất khẩu. Trải qua một chặng đường đầy gian nan để tìm phương pháp trồng hiệu quả, đến nay bà Thủy sở hữu trang trại bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP lớn nhất tại xã Long Nguyên. Mỗi năm, công ty của bà Thủy cung cấp cho thị trường nội địa gần 500 tấn bưởi thương phẩm và chinh phục cả những thị trường khó tính như Hà Lan, Cộng hòa Séc… cho lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là một trong những đơn vị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Phú Giáo. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, có định hướng đúng thị trường nên 8ha dưa lưới trong nhà kín của HTX đạt chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Kim Long kể, năm 2014, anh chuyển đổi 7.000m2 cao su của gia đình sang trồng dưa lưới. Đến năm 2016, HTX Kim Long ra đời với 9 thành viên, vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng. HTX hiện có 45 xã viên với 12ha nhà kính trồng dưa lưới công nghệ cao.
Anh Quyết cho biết, đa số các hộ nông dân trong HTX trước đây là công nhân cao su. Từ khi chuyển qua làm việc tại HTX Kim Long, các xã viên đã linh hoạt thời gian canh tác và thu được lợi nhuận dao động từ 500-600 triệu đồng/năm/hộ. Trong năm 2019, HTX Kim Long cung ứng ra thị trường 600 tấn dưa lưới. Năm 2020, ước tính con số này sẽ tăng lên khoảng 800 tấn. Doanh thu năm 2019 đạt 25 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Yên tâm giao lại khâu sản xuất cho xã viên, còn bản thân tập trung vào khâu phát triển thị trường, anh Quyết cho biết: "HTX tự tin vào con đường chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ mà HTX đang triển khai", anh Quyết chia sẻ.
Ở xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), ông Trần Xuân Tịnh kể trước đây cũng từng nuôi nhiều con, trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao. Thông qua HND, ông Tịnh biết đến mô hình nuôi vịt trên cạn siêu đẻ. Nhờ chịu khó học hỏi sau các chuyến tham quan, ông đầu tư chuồng trại bài bản để nuôi 6.500 con vịt giống Vigova. Qua thời gian nuôi, nhận thấy giống vịt này cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục tăng đàn và mở rộng thêm chuồng trại. Đến nay, trang trại nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Tịnh đã lên tới hơn 18.000 con, cả vịt đẻ trứng và vịt nuôi thịt. Từ 1 trại nuôi nay ông đã xây dựng thêm 2 trại với diện tích 4.000m2; 1 lò ấp trứng để bán vịt con giống cho các hộ dân có nhu cầu. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm ông Tịnh thu lãi hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động.
Ông Trần Phú Cường - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Bình Dương cho biết, mô hình chăn nuôi vịt theo kiểu mới không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà lại khắc phục được những khó khăn trên địa hình ít sông hồ. Quan trọng hơn nữa là công tác chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch. Những mô hình này tuy mới nhưng khi được đầu tư bài bản, kiểm soát dịch bệnh tốt, hứa hẹn sẽ là hướng đi mới, sáng tạo cho nhiều nhà nông vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Theo Sở NNPTNT Bình Dương, thời gian qua, các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi được tái cơ cấu và có sự chuyển biến mạnh mẽ. Từ sự năng động, sáng tạo và nhạy bén thích ứng, những vườn cây, trại nuôi không chỉ mang đến cuộc sống sung túc cho người sản xuất sản xuất mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhiều lao động nông thôn. Hiệu quả từ việc chuyển đổi thành công các mô hình đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân.
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây, con để tạo ra sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mà trọng tâm là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.