Bình Dương: Nông nghiệp công nghệ cao vươn lên mạnh mẽ

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 12/12/2019 21:09 PM (GMT+7)
Sau thời gian đẩy mạnh phát triển, nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đang là thế mạnh của tỉnh Bình Dương. Hiện, tỉnh này có 4 khu NNCNC với diện tích 979,71ha, kinh tế trang trại đã và đang trở thành mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng và vật nuôi tại tỉnh phát triển theo hướng quy mô lớn tập trung gắn với chế biến, hình thành vùng chuyên canh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đang từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chộn rộn làm NNCNC

Ông Phạm Quốc Liêm-Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I cho biết, hiện công ty đã đầu tư trang trại NNCNC đặt tại khu NNCNC An Thái (xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương) với diện tích hơn 410ha. Tại trang trại, tất cả nông sản,  như: Dưa lưới, chuối… được trồng theo công nghệ hiện đại, kiểm soát tự động bằng máy tính, kết hợp phần mềm quản lý trang trại chuyên nghiệp của Israel; có khả năng điều khiển từ xa qua internet để tưới nước và bón phân tự động, kiểm tra EC, pH và xử lý nước tưới, thông gió nhà kính…

Ngoài sản phẩm chủ lực là chuối, dưa lưới, Unifarm còn trồng nhiều loại cây ăn trái khác, như: Quýt đường, nhãn IDO… Các loại cây trồng tại Unifarm đều được chăm sóc bởi những kỹ thuật tiên tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm hướng đến phân khúc thị trường khó tính trong - ngoài nước.

img

   Ông Phạm Quốc Liêm (phải)-Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I giới thiệu với Phó Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Nguyễn Xuân Định về quy trình trồng dưa dưới CNC.  Ảnh: C.L

Hiện, trong tổng diện tích hơn 400ha của trang trại, chuối chiếm một nửa với khoảng 400.000 cây. Theo ông Liêm, mỗi ha chuối tại đây cho năng suất 100 tấn/năm. Sau khi thu hoạch, chuối được sơ chế, phân loại, đóng gói xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Cũng theo ông Liêm, ngoài làm kinh tế, Unifarm còn nhắm đến mục tiêu chuyển giao công nghệ cho nông dân. Thời gian qua, Unifarm đã chuyển giao nhiều mô hình công nghệ cho con nông dân tại Bình Dương, TP.HCM… nhằm phát triển NNCNC…, cũng như bao tiêu nông sản cho nông dân. “Tỉnh Bình Dương tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển NNƯDCNC trên địa bàn”- ông Liêm chia sẻ.

Không chỉ có công ty đầu tư phát triển NNCNC, nông dân Bình Dương cũng quyết định “làm ăn lớn” với lĩnh vực nông nghiệp này. Ông Nguyễn Văn Lời (xã An Bình, Phú Giáo) cho biết, đã đầu tư gần 1 tỷ đồng cho nông trại dưa lưới rộng gần 1ha. Theo ông Lời, hiện lợi nhuận từ trồng dưa lưới cao gấp 10 lần trồng cao su. “Trước tôi trồng cao su, nhưng thời gian qua cao su rớt giá thê thảm nên tôi chuyển dần sang trồng dưa lưới. Lợi nhuận từ cao su không sánh với dưa lưới được. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lưới hơn”- ông thổ lộ.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương, cùng với chủ trương của tỉnh, các cấp Hội ND đã ra sức vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển NNCNC. Các cấp Hội đã phối hợp tham mưu, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn khác, như: Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến cuối 6/2019, các cấp Hội đã xét và giải ngân cho 4.319 hộ nông dân vay sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay tổng dư nợ hơn 714,500 tỷ đồng…

Hiện, các cấp Hội đã chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn hỗ trợ giúp đỡ nông dân về vốn, khoa học công nghệ, thị trường,… tạo điều kiện cho hội viên nông dân có động lực mạnh mẽ để đầu tư vào sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đồng bộ nhiều chính sách thu hút đầu tư

Từ năm 2007, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án phát triển NNCNC. Kết quả thực hiện đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 đề án khu NNCNC, gồm: An Thái (diện tích 411,75ha) và khu NNCNC Tiến Hùng (diện tích 78,5ha); 2 dự án NNCNC, gồm: Dự án nuôi gà đẻ trứng ứng dụng CNC Công ty CP Ba Huân - Trang trại Bình Dương (diện tích 17,6ha) và Dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương (diện tích 471,86ha) đi vào hoạt động.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, hiện diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt trên địa bàn tỉnh hơn 5.000ha, tăng 26% so với cùng kỳ, với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh… Chăn nuôi áp dụng CNC cũng tiếp tục phát triển với 133 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn hơn 7,6 triệu con; chăn nuôi lợn thịt, lợn giống chất lượng cao có 152 trang trại với tổng đàn là 466.000 con; chăn nuôi vịt thịt có 10 trang trại với tổng đàn 121.000 con; chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 800 con…

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực NNCNC, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho các khu NNCNC và các dự án. Về các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các khu và dự án NNCNC sẽ miễn tiền thuê đất theo chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho khu NNCNC…”.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng bắt đầu được quan tâm phát triển trên địa bàn tỉnh với khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ: Cây có múi (khoảng 250ha), rau (hơn 25ha), cây ăn quả khác (hơn 260ha)... Trong đó, một số HTX và công ty đã đạt được chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, như: Công ty TNHH Đức Tiến (11ha cam), Công ty Vinamit Việt Nam (171ha rau, quả các loại) và HTX Dịch vụ Năm Hạng (hơn 8ha cam sành)...

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương, đến năm 2025 diện tích trồng trọt ƯDCNC là 30% (tương ứng 50.000ha) và chăn nuôi ƯDCNC là 30% số trang trại (hiện nay đã đạt khoảng 70%). Để thực hiện mục tiêu này, hiện nay tỉnh đang triển khai nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 04 quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - NNƯDCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 với các mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80 - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - NNƯDCNC. Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, hiện sở này đã tiếp nhận và xét duyệt 108 phương án vay.

Trong đó, 102 phương án đảm bảo nội dung, điều kiện theo quy định với tổng vốn đề nghị vay hơn 870 tỷ đồng. Các phương án này được chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tiến hành thẩm định và quyết định cho vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem