Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xã An Tây có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm giao thương giữa các khu công nghiệp lớn, lại có đường Vành đai 4 đi qua, các tuyến đường tỉnh kết nối trung tâm thị xã Bến Cát với TP.Thủ Dầu Một và tỉnh Tây Ninh. Xã An Tây thu hút nhiều các dự án đầu tư phát triển như Khu công nghiệp quốc tế Protrade, Khu công nghiệp Việt Hương II, Khu công nghiệp Rạch Bắp An Điền.
Ngoài ra, địa bàn xã tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn... góp phần tạo sự chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, từng bước hình thành lối sống đô thị.
Ông Nguyễn Bình An cho biết, người dân như ông rất vui mừng khi được biết xã đã và đang phấn đấu để trở thành phường. "Chúng tôi sẵn sàng chung tay đóng góp xây dựng để An Tây tiếp tục phát triển hơn nữa" - ông An nói.
Tháng 7/2022, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X - nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP.Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. Sau khi thành lập, TP.Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường: Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, An Điền, An Tây và xã Phú An.
Ông Nguyễn Bạc Tấn - Chủ tịch UBND xã An Tây cho biết, xã An Tây đã đạt được 12/12 tiêu chuẩn để thành lập phường theo quy định. Những thay đổi về kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa cũng đang đặt ra cho xã nhiều vấn đề mới cần giải quyết như quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch và đảm bảo an ninh.
"Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp. Việc thành lập phường An Tây để tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị là cần thiết" - ông Tấn chia sẻ.
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo của xã An Điền đã khởi sắc toàn diện trên tất cả lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, An Điền còn chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng phát triển đa dạng các ngành nghề thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn xã có 81 công ty trong nước đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 3.163 lao động và 33 dự án đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho 2.689 lao động.
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã An Điền cho biết, theo kết quả rà soát, đánh giá trình độ phát triển hạ tầng, xã An Điền đạt 12/12 tiêu chí để thành lập phường.
Thị xã Bến Cát có diện tích tự nhiên gần 24.000ha, dân số hơn 350.000 người, 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 180.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 140 triệu đồng/người/năm.
Ngoài các công trình chỉnh trang đô thị, Bến Cát còn được tỉnh Bình Dương chọn xây dựng cảng sông với công suất 7 triệu tấn/năm tại xã An Tây, giáp với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, tổng kinh phí gần 2.300 tỷ đồng.
Các khu đô thị của Bến Cát được quy hoạch bài bản, hướng đến xây dựng không gian và nâng cao chất lượng sống của người lao động. Hiện thị xã Bến Cát có 2 trường đại học trú đóng, trong đó Trường Đại học Việt Đức đã được xây dựng và đi vào hoạt động.
Ông Bùi Minh Thạnh - Bí thư Thị ủy Bến Cát cho biết, thị xã có vị trí địa lý rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng đến năm 2030, thị xã Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ. Đến năm 2040, đô thị Bến Cát phát triển theo 2 hướng chính: Phát triển hành lang thương mại dịch vụ dọc Quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và phát triển các khu đô thị thương mại dịch vụ dọc theo đường Vành đai 4, tuyến vận tải theo hướng Đông Tây.
Qua đánh giá các tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp…, thị xã Bến Cát đủ tiêu chuẩn nâng lên thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.