|
Khách hàng chọn mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro Food ở 135 Lương Định Của (Hà Nội) |
Giá cao, hàng không phong phú
Ngay trước cửa điểm bán hàng bình ổn giá trên phố Thành Công thuộc Tổng Công ty Thương mại Hapro công khai bảng niêm yết danh mục hơn 30 chủng loại mặt hàng trong diện bình ổn giá của TP. Hà Nội bao gồm các chủng loại gạo, dầu ăn, đồ hộp các loại.
Đi sâu vào các gian hàng có thêm nhiều loại hàng hóa được bình ổn giá như rau xanh, mì gói… Tuy nhiên, nếu so sánh giá cả nhiều loại mặt hàng thì mức giá thậm chí còn cao hơn so với những điểm bán lẻ tại chợ Thành Công ngay bên cạnh.
Chị Kim Oanh, một khách hàng đang xem xét giá tại quầy gạo dẫn chứng: “Gạo Bắc Hương bán ở đây 70.000 đồng/túi 5kg, nhưng hôm qua tôi mua ở đại lý phân phối gạo ngoài kia chỉ 67.500 đồng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hầu hết các điểm bán hàng của hệ thống siêu thị Hapro Mart, Fivimart, Intimex, Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty CP đầu tư Long Biên... (là những doanh nghiệp được giao bán hàng bình ổn trong năm 2010) đều có treo băng-rôn “Điểm bán hàng bình ổn giá” để người dân biết.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy số lượng các mặt hàng bình ổn giá không phong phú, thậm chí nghèo nàn, giá nhiều mặt hàng cao hơn ở ngoài.
Chẳng hạn, một số mặt hàng thực phẩm trong diện bình ổn như thịt nạc vai xay trong siêu thị Fivimart có giá 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 70.000 đồng/kg trong khi ở ngoài 65.000- 70.000 đồng/kg, 50.000- 60. 000 đồng/kg.
Cải bắp, dưa chuột giá 10.000 đồng/kg (chợ 7.000 đồng/kg). Dầu ăn Neptune 164.600 đồng/can 5 lít (ở ngoài cao nhất 155.000 đồng). Trứng gà giá từ 31.600 đồng đến 32.400 đồng/10 quả (ở ngoài dưới 30.000 đồng/10 quả)...
Người giàu hưởng lợi...
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Giá hàng hóa bình ổn trong siêu thị cao hơn giá hàng chợ là điều dễ hiểu, bởi lẽ với các hàng hóa ở siêu thị, các loại thuế và chi phí mặt bằng, nhân công... được tính vào sản phẩm.
Tuy nhiên, điểm bất hợp lý trong việc hỗ trợ bình ổn giá mà Hà Nội đang tiến hành là ở chỗ, hàng bình ổn giá chỉ được bán trong siêu thị. Lẽ ra, các mặt hàng này cần được đưa về các vùng nông thôn bởi người dân nông thôn thu nhập thấp mới cần được mua hàng với mức giá thấp.
Đưa hàng bình ổn giá vào siêu thị thì những người giàu, những người có thu nhập khá được hưởng lợi. Hiệu quả công tác hỗ trợ bình ổn giá, ổn định thị trường không thể thu được kết quả như mong muốn, cũng như không đến đúng đối tượng người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh : Dễ bị lãng phí
Chính sách bình ổn dễ làm chệch quy luật của thị trường, bởi cùng một mặt hàng, giá “mềm” hơn khoảng 10%, những doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thu hút người mua đông hơn các doanh nghiệp khác, điều này vô tình sẽ “triệt tiêu” khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu “nặng” hơn có thể giết chết những doanh nghiệp không được trợ vốn. Thậm chí, nếu không khéo quản lý, làm không đúng cách sẽ dễ bị doanh nghiệp lợi dụng bằng cách vay vốn ưu đãi của nhà nước đầu tư vào những mục đích khác. Có nghĩa là số tiền hàng trăm tỷ đồng cho mục tiêu bình ổn dễ trở nên lãng phí.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng bình ổn là việc cần thiết để tránh trường hợp các doanh nghiệp nhận tiền bình ổn rồi lại không thực hiện đúng như cam kết, hoặc “lách” quy định để hưởng lợi.
Ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: Một khi các doanh nghiệp sản xuất cố tình đầu cơ làm tăng giá nhiều mặt hàng thì công ty dù rất muốn cùng Chính phủ bình ổn giá nhưng cũng khó khăn trăm bề”.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Saigon CoopMart chi nhánh Hà Nội: Mục tiêu bình ổn giá sẽ gặp khó khăn khi các doanh nghiệp phân phối liên tiếp tăng giá nhiều mặt hàng.
Ông Dũng nhấn mạnh: Tăng giá của doanh nghiệp là tăng theo thị trường. Do vậy các doanh nghiệp bán hàng bình ổn sẽ chỉ cố gắng lùi lại thời gian tăng giá; chia sẻ trách nhiệm hơn giữa nhà phân phối, nhà quản lý và người tiêu dùng để kéo dài thời hạn phải tăng giá chứ không thể giữ nguyên giá khi mà các loại chi phí đầu vào đều tăng.
Chính sách bình ổn dễ làm chệch quy luật của thị trường, bởi cùng một mặt hàng, giá “mềm” hơn khoảng 10%, những doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thu hút người mua đông hơn các doanh nghiệp khác, điều này vô tình sẽ “triệt tiêu” khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu “nặng” hơn có thể giết chết những doanh nghiệp không được trợ vốn.
Thậm chí, nếu không khéo quản lý, làm không đúng cách sẽ dễ bị doanh nghiệp lợi dụng bằng cách vay vốn ưu đãi của nhà nước đầu tư vào những mục đích khác. Có nghĩa là số tiền hàng trăm tỷ đồng cho mục tiêu bình ổn dễ trở nên lãng phí.
TP.Hồ Chí Minh: Nguồn cung quyết địnhCác mặt hàng có tấm bảng “hàng bình ổn giá” suốt năm qua đã là sức hút mạnh mẽ kéo người dân TP.HCM vào mua sắm tại các siêu thị tham gia chương trình này. Nhiều nhất là thực phẩm, từ trái cà chua đến chai dầu ăn, miếng thịt, hàng bình ổn giá luôn duy trì mức giá thấp hơn thị trường và đã giúp thị trường mau chóng ổn định ngay trong những ngày giá cả sốt nhất. Theo Sở Công Thương TP.HCM, chương trình bình ổn giá đã góp phần kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10 (0,45%) xuống so với tháng 9 (0,97%). Chương trình mang lại hiệu quả là dẫn dắt và định hướng giá các nhóm hàng thiết yếu khác.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công bình ổn giá, ông Trần Vinh Nhung - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá chỉ đảm bảo 30 - 50% lượng hàng hóa so với nhu cầu thị trường, cho nên quan trọng nhất là làm sao nguồn cung luôn đảm bảo, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, để không xảy ra đầu cơ, sốt hàng. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước phải tích cực xây dựng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các đơn vị tham gia bình ổn giá thông qua việc phối hợp với các Sở Công Thương trong khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Minh Phương
Hương Thủy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.