Bình Phước chuyển mục đích sử dụng 7,69ha rừng để làm đường nối kết với sân bay Long Thành.
Bình Phước chuyển mục đích sử dụng 7,69ha rừng cho tuyến đường kết nối sân bay Long Thành
Hoàng Hưng
Thứ năm, ngày 14/11/2024 17:33 PM (GMT+7)
Khoảng 7,69ha rừng đã được UBND tỉnh Bình Phước cho phép chuyển mục đích sử dụng. Việc này, nhằm mục đích xây dựng tuyến đường kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dường, hướng về tỉnh Đồng Nai để kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai.
Ngày 14/11, UBND tỉnh Bình Phước vừa công bố Quyết định số 1711/QĐ-UBND, về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác, để thực hiện dự án "Xây dựng tuyến kết nối đường ĐT 753B với đường Đồng Phú - Bình Dương (đoạn Lam Sơn - Tân Phước).
Tổng diện tích rừng được UBND tỉnh Bình Phước cho phép chuyển mục đích sử dụng là 7,69ha. Đây là 7,69ha rừng trồng, phục vụ cho sản xuất, thuộc địa bàn 2 xã Tân Phước (1,73ha) và xã Đồng Tâm (5,96ha) của huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Từ tháng 7/2020, tỉnh Bình Phước đã khởi công dự án đường ĐT 753B gồm 2 tuyến: ĐT 753B và tuyến kết nối ĐT 753B với đường Đồng Phú - Bình Dương, có chiều dài trên 14,4km. Trong đó, đoạn ĐT 753B có chiều dài trên 9,4km, bề rộng nền đường tối thiểu 12m; tuyến kết nối ĐT 753B với đường Đồng Phú - Bình Dương có chiều dài gần 5km, bề rộng nền đường tối thiểu 11m.
Về kết cấu, tuyến đường được bê tông nhựa nóng và 1 cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu với chiều dài 33,8m. Tổng mức đầu tư công trình 180 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách của tỉnh 170 tỷ đồng, vốn ngân sách của huyện 10 tỷ đồng.
Được biết, việc tỉnh Bình Phước nỗ lực hoàn thành 2 tuyến đường trên, nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4, không qua cầu Mã Đà.
Đây là một phần trong tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4, về sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và cảng Thị Vải - Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài đoạn đường kết nối này khoảng 71 km, có tổng kinh phí đầu tư khoảng 530 tỷ đồng.
Ông Võ Quang Thuận - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi - cho biết:
"Đặc thù hàng hoá của Bình Phước chủ yếu là cao su và điều. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến mủ cao su. Mỗi tháng, doanh nghiệp cần vận chuyển hàng trăm container nguyên liệu và mủ cao su thành phẩm từ các huyện, tỉnh Bình Phước tới các cảng tại TP.HCM.
Trong khi mấy năm gần đây, các tuyến vận tải đường bộ hiện hữu đã quá tải nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và tốn kém chi phí hơn cho doanh nghiệp. Do đó, khi tuyến đường này hình thành, việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Phước nói riêng và các tỉnh lận cận nói chung sẽ rất thuận tiện, tăng kết nối giữa 2 vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Việc sớm kết nối tuyến liên kết Bình Phước - Đồng Nai vào Vành đai 4 TP.HCM sẽ tạo sự liền mạch liên vùng rất tốt, kết nối thuận lợi vùng Tây Nguyên, các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.