Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai

Hoàng Hưng Chủ nhật, ngày 15/05/2022 07:15 AM (GMT+7)
Ngày 15/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước đã chính thức có công văn tham mưu cho UBND tỉnh về phương án đầu tư tuyến đường kết nối với tỉnh Đồng Nai. Hướng tuyến cầu Mã Đà và đi qua khu dự trữ sinh quyển vẫn được chọn là ưu tiên số 1.
Bình luận 0

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 292/SGTVT-HTGT tham mưu cho UBND tỉnh về phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai. Theo Sở GTVT tỉnh Bình Phước, tại văn bản số 410/VCL-ATGT ngày 5/5/2022 của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT) đề xuất 3 phương án tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai:

Phương án 1: Tuyến cầu Mã Đà và đi qua khu dự trữ sinh quyển. Hướng tuyến, điểm đầu tuyến tại ĐT 741 (thành phố Đồng Xoài) đi theo ĐT 753 (30km) qua suối Mã Đà, đi theo đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (13km) đến ĐT 761 (18km), ĐT 767 (18km) và kết nối với đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 79km.

Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai - Ảnh 1.

Trụ cầu Mã Đà trước đây bị đánh sập trong chiến tranh đã cho thấy từng có một con đường nối liền 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Ảnh: Trần Lý

Phương án 2.1: Kết nối ĐT 753 với đường Đồng Phú - Bình Dương (Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) kết nối về đường Vành đai 4 (Bình Dương). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT 753 (15km) đến tuyến ĐT.741B (Đồng Phú - Bình Dương), đi theo ĐT 741B (21km) kết nối với đườn Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (19km), kết nối với ĐH 416 (3km) sau đó đi theo ĐT 746 (1km), đoạn tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12km) và kết nối với đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 71km.

Phương án 2.2: Mở mới tuyến từ ĐT 753 đến ĐH 416 kết nối về đường Vành đai 4 (tại Bình Dương). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT 753 (30km), mở 22km tuyến mới (đi theo ĐH 501B) kết nối vào ĐH 416 (11km), sau đó đi theo ĐT 746, đoạn tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12km) và kết nối vào đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 75km.

Phương án 3: Kết nối qua QL 56B về Vành đai 4 (Đồng Nai). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT 753 (30km), mở 22km tuyến mới (đi theo ĐH 501B) kết nối vào ĐH 416 (10km), sau đó đi theo ĐT 746 (đoạn QL56B theo quy hoạch), đi theo ĐT 767 và kết nối vào đường Vành đai 4 (Đồng Nai). Tổng chiều dài 105km.

Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai - Ảnh 2.

Con đường ĐT 761 đang hiện hữu thuộc tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.L

Qua phân tích ưu, nhược điểm của các phương án tuyến nêu trên, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chọn phương án 1.

Đây là phương án tối ưu nhất kết nối Bình Phước và Đồng Nai; cũng là phương án tuyến ngắn nhất và nhanh nhất đi theo đường hiện hữu, kết nối các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước đến Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Tuyến đường này sẽ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, cũng như khu vực Tây Nguyên và Vùng kinh tế trong điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, sẽ góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất tiềm năng phía Đông Nam tỉnh Bình Phước, tận dụng được lợi thế về sự phát triển công nghiệp, dịch vụ lan tỏa từ 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai - Ảnh 3.

Vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đích thân tới khảo sát tận chân cầu Mã Đà. Ảnh: Đ.Thành

Đối với các tác động ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai: Sở GTVT cho rằng, có thể nghiên cứu các phương án làm cầu cạn, rào chắn chống ồn, hầm lộ thiên… tương tự đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Cúc Phương hoặc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng để giảm thiểu tối đa các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Các phương án 2 và 3 có nhược điểm là hướng tuyến dài hơn và đi vòng quanh khu dự trữ sinh quyển dọc theo sông Mã Đà và không kết nối trực tiếp với tỉnh Đồng Nai, mà phải đi qua tỉnh Bình Dương. Trong khi thực trạng và quy hoạch giữa 2 tỉnh đã có 5 trục kết nối chính, nên về cơ bản nhu cầu kết nối giữa Bình Phước và Bình Dương đã đầy đủ, đáp ứng nhu cầu.

Việc bổ sung thêm tuyến kết nối sẽ gia tăng thêm áp lực giao thông cho Bình Dương. Bên cạnh đó, phải đầu tư một số đoạn tuyến mới hoàn toàn làm tăng chi phí đầu tư và phải phụ thuộc vào nguồn lực của tỉnh Bình Dương.

Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Xây dựng cầu Mã Đà hết sức cần thiết, là vấn đề trọng tâm và phải thực hiện ngay, bắt đầu từ năm 2022". Ảnh: Đ.Thành

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Bình Phước, tuyến ĐT 753 từ Bình Phước đi Đồng Nai là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước. 

Về quy hoạch khu vực triển khai dự án, dọc tuyến ĐT 753 hiện đang được quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 2.000ha. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu đến sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải là rất lớn.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đã thông qua chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT 753 và khôi phục lại cầu Mã Đà, tại 2 Nghị quyết (số 34, ngày 10/12/2020 và số 18, ngày 2/7/2021). 

Quy mô đầu tư mặt đường rộng 19m, nền đường rộng 22m, tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh Bình Phước đảm bảo nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 753 đạt tiêu chuẩn QL 13C.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến ĐT 753 của Bình Phước sẽ kết nối với ĐT 761 của Đồng Nai tại cầu Mã Đà và ĐT 762 kết nối ra Quốc lộ 1 (được quy hoạch là tuyến Quốc lộ 13C) sẽ triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Bình Phước vẫn kiên định chọn tuyến cầu Mã Đà qua khu dự trữ sinh quyển nối liền tỉnh Đồng Nai - Ảnh 6.

Đường ĐT 761 hiện hữu đã xuyên rừng thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.L

Để tạo điều kiện cho Bình Phước và Tây Nguyên phát triển, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng lại cầu Mã Đà và nâng cấp tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận nhiều vấn đề, trong đó khẳng định: Điểm thắt nút lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông. Do đó, tỉnh phải đẩy mạnh kết nối giao thông với Đồng Nai và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Xây dựng cầu Mã Đà hết sức cần thiết, là vấn đề trọng tâm và phải thực hiện ngay, bắt đầu từ năm 2022. Khi triển khai dự án này, không chỉ Bình Phước mà Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đều có lợi. 

Liên quan đến vấn đề bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, Đồng Nai cần bàn giải pháp theo hướng phải làm, chứ không thể không làm, vì đây là tuyến đường huyết mạch".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem