Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào phát triển đến năm 2030?
Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
Hoàng Hưng
Chủ nhật, ngày 10/11/2024 15:11 PM (GMT+7)
Ngày 10/11/2024, nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu) đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Kế hoạch này nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, dự kiến đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Bình Phước là duy trì và phát triển diện tích 4 loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh theo quy hoạch đạt trên 356.000 ha, sản lượng 659.780 tấn/năm.
Nỗ lực nâng cao vị thế của 4 loại cây công nghiệp lên một đỉnh cao tương xứng, mang tính đặc thù của địa phương.
Tại Hội chợ nông sản tỉnh Bình Phước năm 2024, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (áo xanh), đã tới tham quan gian hàng giới thiệu hạt điều của Công ty Hoàng Phú. Ảnh: Hoàng Hưng.
Cụ thể 4 loại cây công nghiệp gồm: Cây điều với diện tích 138.000 ha, sản lượng 250.000 tấn; cây cao su diện tích 200.000 ha, sản lượng 363.000 tấn; cà phê diện tích 8.000 ha, sản lượng 20.800 tấn và cây tiêu diện tích 10.000 ha, sản lượng 25.000 tấn.
Tổng giá trị sản phẩm 4 cây công nghiệp chủ lực của tỉnh (cao su, điều, hồ tiêu, cà phê) tham gia xuất khẩu phải đạt giá trị kim ngạch khoảng 450 triệu USD (không tính giá trị sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su tham gia xuất khẩu).
Ngoài việc tăng diện tích trồng 4 loại cây, tăng sản lượng thu hoạch, thì Bình Phước cũng đặt ra những chỉ tiêu về cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, tiêu chí xuất khẩu….
Thí dụ: Với cây điều, Bình Phước cam kết đến năm 2030, phấn đấu 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa nhân điều, trên 95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp chứng nhận quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP...
Tương tự, với cây cao su, đến năm 2030, Bình Phước phấn đấu 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn. Tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền, diện tích cao su thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 70%, diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 50-70 nghìn ha; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hoặc cây hồ tiêu, đến năm 2030, có trên 30% diện tích hồ tiêu được trồng theo quy trình GAP và tương đương, diện tích hồ tiêu được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 20%. Tiếp tục đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA.
Tỷ lệ chế biến sâu đạt khoảng 30% sản lượng (tiêu trắng, tiêu xay và các sản phẩm tinh chế khác); tỷ lệ tiêu đen 70%, trong đó tiêu nghiền bột 20%; tỷ lệ tiêu trắng 30%, trong đó tiêu nghiền bột trên 25%.
Vườn tiêu của nông dân trồng ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hoàng Hưng.
Và cuối cùng, là cây cà phê phải phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...
Đến năm 2030, có 80-90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn.
Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm (RA, 4C) khoảng 20-30%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sản lượng cà phê chế biến sâu phải đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, trong đó cà phê chế biến sâu tham gia xuất khẩu đạt khoảng 10-20%.
Rừng cao su ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng.
Ông Vũ Hải Sơn - Chủ tịch Hội điều Bình Phước, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn - cho rằng:
"Việc chính quyền tỉnh Bình Phước đưa ra đề án phát triển 4 loại cây chủ lực, là thể hiện ý chí quyết tâm của lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Phước, trong việc phát triển thế mạnh của tỉnh ở lĩnh vực nông nghiệp".
Theo ông Sơn, trong các tỉnh miền Đông Nam bộ hiện nay, duy nhất tỉnh Bình Phước là còn quỹ đất dồi dào, vừa phát triển vùng cây công nghiệp, vừa kết hợp phát triển các khu công nghiệp.
Nếu Bình Phước biết khai thác các thế mạnh này, với việc đưa ra những chủ trương thiết thực, thì khát khao đưa 4 loại cây công nghiệp trên lên đỉnh cao hoàn toàn có thể thực hiện được, trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.