Chỉ những công trình đang gấp rút hoàn thành như sân trạm y tế, xây nhà học vụ của trường…, ông Nguyễn Công Quế - Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng, TX.Đồng Xoài cho biết: “Cùng với những công trình trên, tại các tổ, xóm người dân còn thi đua làm đường giao thông, khiến xã chẳng khác nào một đại công trường. Cũng nhờ vậy mà xã đã hoàn thành bê tông, nhựa hóa hơn 36km đường trục thôn, ngõ, xóm (đạt 100% chỉ tiêu); nhựa hóa đường trục xã, liên xã 20km”.
Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành mặt tiền công trình Trường THCS Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài, Bình Phước). Ảnh: T.T
Còn tại xã Minh Thành (huyện Chơn Thành), ông Phạm Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến tháng 6.2015 xã vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt là: Đường giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. “Ngay sau khi được cấp trên rót vốn, chúng tôi đã đẩy nhanh thực hiện 3 tiêu chí trên và đến nay đã cơ bản đạt chuẩn” - ông Tùng nói.
Theo ông Huỳnh Văn Nghĩa - Chi cục trưởng Chi cục PTNNNT Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, giai đoạn I, tỉnh có 21 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Cái khó nhất mà nơi nào cũng gặp là nguồn vốn để làm đường, xây trường học, cơ sở văn hóa. Vì thế đến nay tỉnh mới có 3 xã đạt chuẩn là Tiến Hưng, Minh Thành và Tân Lập.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ông Quế cho biết, xác định được khó khăn về nguồn vốn nên xã Tiến Hưng đã chọn ra các tiêu chí “không vốn” để làm trước. Ví dụ tiêu chí môi trường tuy khó, nhưng không cần nhiều vốn nên xã triển khai trước vì nó liên quan đến nhận thức của người dân, một khi đã thay đổi được nhận thức thì sẽ đạt được nhiều kết quả.
Lúc đầu xã vận động mỗi nhà dân phải có 1 thùng rác, sau đó 6/6 khu dân cư thành lập tổ thu gom rác thải. “Đến năm 2013, chúng tôi đã thực hiện thành công tiêu chí môi trường, không còn tình trạng người dân vứt rác hoặc để rác trước cổng nhà” - ông Quế khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.