Tây Ninh: Đến khổ, học sinh bỏ học vì tiếng ồn từ nghề nuôi loài chim tiền tỷ bay trên trời, ngủ nhà lầu

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 18/08/2020 07:32 AM (GMT+7)
Thiếu quy định quản lý cụ thể nên việc phát triển các nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian rất tự phát. Nhiều nhà nuôi chim yến ở trong khu dân cư đã gây ra bức xúc cho người dân.
Bình luận 0

Nghề nuôi chim yến chỉ mới phát triển ở Tây Ninh khoảng 4-5 năm gần đây nên chưa khai thác được nhiều tổ yến. Chủ yếu, yến đã đẻ trứng và nuôi con để phát triển đàn...

Học sinh bỏ học vì tiếng ồn

Do việc quản lý chưa chặt chẽ nên tại Tây Ninh đã xảy ra tình trạng xây dựng mới nhà yến tự phát khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định. Năm 2017, toàn tỉnh có 27 nhà yến thì hơn 1 năm sau đã tăng lên 152 nhà yến. 

Từ năm 2019 đến 2020, số nhà yến đã tăng từ 190 lên 379 cái. Các huyện có số lượng xây dựng nhà mới yến nhiều như Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu…

Lúng túng quản lý nghề nuôi chim yến  - Ảnh 1.

Một hộ nuôi chim yến trong khu dân cư ở thị xã Hòa Thành từng bị người dân phản ánh. Ảnh: Đại Dương

Một vấn đề đáng lưu ý khác là nếu mật độ nhà yến dày đặc sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế vì nguồn thức ăn trong thiên nhiên có giới hạn. Thực tế cho thấy chỉ có hơn 50% nhà yến hoạt động có hiệu quả; 1/4 còn lại là không hiệu quả vì chim yến không về.

Đáng nói là trong số đó chỉ có 16 nhà yến được cấp phép. Hầu hết các nhà yến còn lại xây dựng tự phát, chưa đảm bảo yêu cầu nuôi theo quy định hiện hành nên đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Còn theo số liệu của Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, thực tế đến nay đã có 416 nhà yến đang hoạt động và còn hàng chục nhà yến đang xây mới trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó 40% xây trong khu dân cư, 60% còn lại nằm ngoài khu dân cư. Đặc biệt, có một số địa phương trước đây là đơn vị cấp xã, nay đã lên phường, nên càng làm tăng số lượng thống kê nhà yến ở trong khu đô thị.

Trên địa bàn thị xã Hòa Thành, đã có rất nhiều người dân quyết liệt kiến nghị với chính quyền phải phải di dời các nhà nuôi chim yến xa khỏi khu dân cư. Với nhà nuôi yến gần trường học thì người dân còn phiền lòng hơn vì con em họ phải chịu đựng tiếng ồn cả trong giờ học lẫn giờ chơi.

Thầy Huỳnh Tấn Phát - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực (thị xã Hòa Thành) cho hay, nhà trường từng tiếp nhận nhiều phản ánh của phụ huynh về việc nhà yến gây tiếng ồn ảnh hưởng học sinh, nhưng cũng không thể đưa ra giải pháp. Bản thân nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy do ảnh tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim yến.

Huyện Dương Minh Châu là địa phương có số lượng nhà yến lớn nhất trong tỉnh với 85 nhà. Tại xã Bến Củi, các nhà yến tập trung đông đúc không khác gì một khu đô thị giữa vùng nông thôn. 

Bà Nguyễn Thị Thanh - người dân ở xã Bến Củi kể, có nhà yến phát loa đến 12 giờ đêm vẫn chưa chịu tắt. Không chỉ người lớn bị ảnh hưởng giấc ngủ mà 2 người cháu của bà cũng đã phải gửi về quê vì không thể tập trung học tập được.

Lúng túng quản lý

Theo phản ánh từ chính quyền địa phương, nhu cầu nuôi chim yến để phát triển kinh tế của người dân đang rất lớn trong khi đó công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến chưa có văn bản quy định cụ thể. Do đó, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư vừa làm vừa lo, dân mệt mỏi phản ứng, còn nhà nước thì lúng túng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh, Sở đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh và đề nghị các địa phương tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý, không cho nuôi yến trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư.

Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dB. Thời gian phát loa dẫn dụ chim yến giới hạn từ 5 -11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ. Nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

Hoạt động xây dựng mới nhà yến chỉ được cấp phép khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chủ trương đầu tư đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống dịch bệnh. Việc chuyển đổi từ đất thổ cư sang đất nông nghiệp khác không thuộc diện cấp phép mà chỉ cần đăng ký biến động. Theo ông Xuân, cần thiết phải chấn chỉnh và kiểm soát lại hoạt động chăn nuôi yến thông qua hoạt động cấp phép. Đối với các nhà yến hiện hữu và có xung đột với khu dân cư, việc xử lý nên theo lộ trình để di dời. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem