Vùng đất này ở tỉnh Bình Thuận dân đi săn "con lộc trời" chạy nhanh hơn gió, kiếm tiền triệu
Bình Thuận: Săn "con lộc trời" chạy nhanh như gió ở những đồng cát nóng
Ngọc Thư (Cổng TTĐT TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)
Chủ nhật, ngày 25/07/2021 05:10 AM (GMT+7)
Phan Thiết chuyển mưa. Những đồng cát bạt ngàn bắt đầu lún phún cỏ. Đây là thời điểm dông - đặc sản trứ danh của vùng cát nắng gió nơi đây - tìm thức ăn sau thời gian trú đông. Mùa săn dông bắt đầu. Thịt dông đang ở giai đoạn ngon nhất.
Một nhóm người dân địa phương, có anh Châu Văn Trọng, nhân lúc nông nhàn, mang theo cuốc, xẻng bắt đầu một ngày săn dông.
Họ men theo tuyến đường ven biển phía Nam TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và dừng chân tại một khu đất trống thuộc xã Tiến Thành. Đây là nơi nông dân địa phương canh tác rau, đậu theo mưa và bỏ đất trống từ đầu mùa nắng.
Anh Trọng cho biết ở vùng này, con dông ngoài đồng cỏ tự nhiên được chia 2 loại là dông hương và dông thềm.
Dông thềm lớn hơn dông hương nhưng trốn rất sâu dưới lòng đất nên rất khó săn. Vì vậy, dông hương săn được nhiều hơn.
Vừa qua gần chục cơn mưa đầu mùa, cánh đồng phủ lớp cỏ mỏng. Chỉ vài bước chân, họ đã dễ dàng tìm thấy hang dông.
Bằng kinh nghiệm của mình, những người dân này phân biệt ngay đâu là hang mát (nơi dông trú mát tạm thời) và đâu là hang đùn (nơi dông đang có mặt).
Chưa đến 20 nhát cuốc, lần theo các ngách trong hang thông qua một đoạn cây, nhóm anh Trọng đã tìm thấy một chú dông hương.
Chỉ trong chưa đầy buổi sáng, nhóm anh Trọng săn được 40 con dông béo ngậy.
"Sau nhiều tháng trú mình dưới hang, thời điểm đầu mùa mưa, dông bắt đầu ăn cỏ non nên béo nhất và cũng dễ bắt nhất. Lớp đất cát ở những cái hang của chúng cũng mềm hơn nhờ có mưa thấm xuống" - anh Trọng nói.
Từ lâu, dông được xem là đặc sản trứ danh của vùng đất cát Phan Thiết - Bình Thuận vì có thể chế biến được nhiều món ngon như nướng mọi, trộn rau hay nấu canh dưa hồng.
Thịt dông, đặc biệt là dông sống ở đất cát, dai và thơm khi nướng than vừa phải.
Hiện nay, do xu hướng đô thị hóa, đặc sản dông tự nhiên ngày càng ít nên phong trào nuôi dông thịt ở các vùng nông thôn của Bình Thuận đang xuất hiện nhiều để đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Dông thịt phải nuôi khoảng 1 năm, trọng lượng 3-4 con/kg, thường bán với giá 600.000 - 700.000 đồng.
Dông tự nhiên trọng lượng thường nhỏ hơn, từ 20-30 con/kg. Thịt dông tự nhiên ngon hơn dông nuôi nên thường được người dân địa phương giữ lại chế biến thức ăn, ít khi bán ra ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.