Bitexco đề xuất nhượng quyền khai thác Vịnh Hạ Long: Lo ngại ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng

Lê Tâm Thứ sáu, ngày 25/07/2014 09:14 AM (GMT+7)
Đề xuất nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long của Tập đoàn Bitexco đã được trình UBND tỉnh Quảng Ninh, đại diện Bộ VHTTDL chưa được biết gì về thông tin này. Những lo ngại về việc quyền lợi của cộng đồng liệu có bị ảnh hưởng đang được tính đến. 
Bình luận 0

Nhượng hẳn 50 năm

Tập đoàn Bitexco vừa trình Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long lên UBND tỉnh Quảng Ninh. Đề án gồm 5 phần chính: Hiện trạng du lịch của vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của tập đoàn.

Mục tiêu đặt ra của Đề án nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho Vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp. Đồng thời, đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính an toàn du lịch cho Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Trên cơ sở đó, Bitexco đề nghị tỉnh nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.

Theo đề xuất của Tập đoàn Bitexco, phí nhượng quyền 3 năm đầu sẽ là 90 tỷ đồng, 3 năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Việc chia lợi nhuận ròng được chia lại cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ là sau 3 năm đầu là 20%, sau 6 năm là 30% và sau 10 năm là 50%. Bitexco đưa ra viễn cảnh doanh thu du lịch từ Vịnh Hạ Long đạt ngưỡng 5 tỷ USD (so với hiện tại chỉ là 10 triệu USD).

Tại cuộc họp của tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này, các sở, ngành cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng như: Thời gian nhượng quyền theo đề xuất; không gian thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong đó bao hàm cả không gian dưới nước, trên bờ và các vùng phụ cận có liên quan; giải pháp cụ thể, lộ trình giải quyết mối quan hệ, cơ chế quản lý, khai thác, phát triển du lịch trên vịnh giữa Bitexco với các đơn vị, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay…

Trước đề nghị của Tập đoàn Bitexco, ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh đánh giá cao đề án của tập đoàn, tuy nhiên đây mới chỉ là những bước nghiên cứu ban đầu. Vì vậy, ông Thành đề nghị, Bitexco cử các chuyên gia cùng làm việc với sở, ngành liên quan trong tỉnh nhằm làm rõ hơn các nội dung của đề án hợp tác. Đồng thời ông đề nghị Bitexco đổi tên đề án thành “Nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”.

Nên cân nhắc kỹ lưỡng

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà-Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh cho biết đề xuất nhượng quyền thu phí và quản lý Vịnh Hạ Long 50 năm là quá dài. Việc đề xuất 50 năm thuê vùng đất, vùng nước phải rõ ràng và cần có quy hoạch cụ thể, chi tiết và phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hà, nếu giao quyền quản lý vịnh trên phạm vi lớn sẽ bị chồng lấn với các dự án mà tỉnh đã giao các đảo, hay mặt nước cho các hộ, tổ chức, doanh nghiệp được quyền đầu tư trước đó hay liên quan đến an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Ông Hà cho biết tỉnh nên nghiên cứu việc nhượng quyền thu phí, quản lý vịnh ở phạm vi vùng lõi di sản chừng 434km2.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì cho biết: “Quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành có những nguyên tắc riêng. Những gì thuộc về trách nhiệm của quản lý nhà nước thì không giao cho doanh nghiệp. Ví dụ ở danh thắng Yên Tử, Nhà nước quản lý chuyên ngành, còn việc tổ chức đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ, khai thác dịch vụ thì Công ty Tùng Lâm làm rất hiệu quả”.

Trước câu hỏi có nhiều ý kiến cho rằng giao di sản thiên nhiên thế giới cho một doanh nghiệp quản lý là không hợp lý, ông Tuấn cho biết: “Tôi chưa thể đưa ra ý kiến cụ thể cho Hạ Long mà chỉ nói quan điểm của mình. Từ ứng xử với Yên Tử, có thể đưa ra những ứng xử phù hợp vừa tuân thủ nguyên tắc nhà nước quản lý, khai thác và phát huy những lợi thế của doanh nghiệp cũng như mục tiêu tạo ra sản phẩm hấp dẫn, dịch vụ chất lượng cao mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Nên tách bạch chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ. Đó là hai việc khác nhau. Theo nguyên tắc ai làm gì tốt hơn thì tạo điều kiện cho người ta nhưng phải có quản lý, giám sát, không được làm lu mờ, mất đi vai trò của quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành”. Ông Tuấn cho biết thêm là UBND tỉnh Quảng Ninh không tham vấn Tổng cục Du lịch về việc này.

Cho đến nay, đề án của Bitexco mới chỉ được trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên có khá nhiều ý kiến lo ngại về việc Vịnh Hạ Long là di sản-kỳ quan thiên nhiên thế giới, là tài sản chung của quốc gia, của thế giới nên khi khai thác di sản thế giới phải tính đến việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Tuy nhiên, trong đề án của Bitexco chưa đề cập rõ ràng đến góc độ này. Từ di sản của chung thế giới, nếu Vịnh Hạ Long được nhượng quyền khai thác trong vòng 50 năm cho một tập đoàn tư nhân thì việc hưởng thụ di sản của cộng đồng có bị ảnh hưởng gì không? Ngoài ra, còn rất nhiều những yếu tố khác như việc xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích kinh doanh của tập đoàn (nếu có trong tương lai) trong phần diện tích đã được nhượng quyền ai sẽ đứng ra kiểm soát và xử lý nếu có xâm hại đến di sản?

   Chiều 24.7, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có kêu gọi doanh nghiệp tham gia đấu thầu quyền quản trị hoạt động giao dịch thu phí Vịnh Hạ Long và Tập đoàn Bitexco tham gia. Tuy nhiên, quyền quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long vẫn thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Theo nguyên tắc đấu thầu, doanh nghiệp được “nhượng” quyền quản trị không quá 10 năm. Tập đoàn Bitexco đưa ra thời gian “nhượng” quyền 50 năm,  tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Bitexco sửa lại.
Hoàng Anh Tuấn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem