Bỏ 675 điều kiện kinh doanh: Tránh bỏ chỗ này, phình chỗ khác

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 23/09/2017 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quyết tâm bỏ tới gần 700 điều kiện kinh doanh ở Bộ Công Thương có thể coi là “tiếng súng” đầu tiên nhưng cần phải hiện thực hóa quyết tâm đó chứ không chỉ là lời hứa suông.
Bình luận 0

img

Bộ Công Thương bỏ 675 điều kiện kinh doanh: Cần biến quyết tâm thành hiện thực (Ảnh: IT)

Điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, trao đổi với Dân Việt, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết: Sau những chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện chính phủ kiến tạo, liêm chính, doanh nghiệp tới nay cũng đã “dễ thở” hơn. Dù lĩnh vực xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với trước thì cũng đã có cải thiện đáng kể. “Quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu tiên tuyên bố cắt bỏ tới gần 700 điều kiện kinh doanh  có thể nói là một thông điệp đáng mừng cho doanh nghiệp. Nhưng vấn đề là phải hiện thực hóa nó chứ không phải chỉ ở tuyên bố của Bộ trưởng để rồi sau các đơn vị không thực hiện hoặc cắt giảm chỗ này lại phình ra chỗ khác, cuối cùng doanh nghiệp và người dân vẫn không được gỡ nút thắt”, ông Thông nói.

Trước đó, có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản đã phản ánh do những “giấy phép con” làm họ lỡ mất cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu. Gần đây nhất là vào đầu năm 2018, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: “ Do không thể xin được giấy chứng nhận xuất khẩu mỡ cá, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn dù đã ký hợp đồng để xuất khẩu 100 tấn mỡ cá vào thị trường Chile đã phải bỏ lỡ".

Đó mới chỉ ở một lĩnh vực thủy sản phải tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc và mất luôn cơ hội cho sản xuất và xuất khẩu. Đối với các ngành nghề khác, điều kiện kinh doanh cũng đang “trói buộc” và kìm hãm sự sáng tạo và phát triển của doanh nghiệp.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cả nước hiện có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung tương (CIEM) cho thấy, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hiện nay vẫn còn tình trạng, nhiều bộ, ngành độc quyền trong đánh giá sự phù hợp của sản phẩm. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công.  Ông Dũng cũng đưa ra ví dụ, một mặt hàng chocolate nhập về mà phải cần tới 13 loại giấy phép.

Bộ Công Thương tự nguyện cắt giảm

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Việc quyết tâm cắt giảm tới 50% điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Chính phủ. Bởi thực tế, trong những năm vừa qua, các bộ ngành đã “đẻ” ra quá nhiều điều kiện kinh doanh, trong đó có nhiều điều kiện không hợp lý, tạo rào cản cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp để sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn từ các điều kiện kinh doanh này. “Ngoài các điều kiện kinh doanh đã bỏ, Bộ Công Thương còn phải xem xét các điều kiện kinh doanh còn lại có hợp lý không. Muốn đánh giá phải công bố để người dân và doanh nghiệp cho ý kiến mới hợp lý chứ không chỉ thành lập ra một ban toàn cán bộ công chức của Bộ đánh giá thì sẽ không khách quan”, ông Nam phân tích.

"Một năm tiêu tốn 30 triệu ngày công, tốn 14.300 tỷ đồng. Hiện các danh mục kiểm tra rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, rất nhỏ so với số hàng hóa kiểm tra. Chúng ta không thể buông lỏng quản lý nhà nước nhưng phải xem xét thực tế để tháo gỡ khó khăn cho DN, năm nay Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói

Cùng chung nhận định trên, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đánh giá cao và hoan nghênh nỗ lực của Bộ Công Thương, tao ra sự khởi đầu cho các bộ ngành khác tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, hi vọng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành cũng sẽ cắt giảm được thời gian, công sức, tiền bạc cho doanh nghiệp. “Quyết định của Bộ Công Thương hi vọng sẽ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.Nhưng các điều kiện còn lại của Bộ Công Thương cũng vẫn còn tới 50%, nên cần phải tiếp tục rà soát để cắt giảm”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):  Bộ Công Thương đã "nổ phát súng đầu tiên, với một công bố rất rõ ràng, đó là điều mà báo chí và doanh nghiệp có thể giám sát quá trình thực thi, hiệu quả của tuyên bố. Bởi đây cũng mới chỉ là quyết tâm trong thời gian tới, còn để cho doanh nghiệp cảm nhận được ngay là chưa có bởi hầu hết các điều kiện kinh doanh hiện đang nằm ở các Nghị định. Cũng theo ông Tuấn, việc sửa Nghị định thì phải có quy trình, có đề xuất quy trình sửa đổi Nghị định và cũng cần có thời gian. Nghị định là của Chính phủ nhưng các cơ quan Bộ lại là người trực tiếp soạn thảo hầu hết các Nghị định đó, thì cần phải làm sao cho kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ không phải kế hoạch treo. Mặt khác, sau quyết định của Bộ Công Thương, cần có cơ chế giám sát cam kết được thực thi đúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem