“Bội thực” điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền: Chỉ người dân tuân thủ luật ?!

Mai Hương Thứ tư, ngày 08/07/2015 16:22 PM (GMT+7)
“Một năm nữa (1.7.2016) là thời hạn chót để các bộ ngành rà soát, tự bãi bỏ các điều kiện kinh doanh do chính mình đã ban ra trước thời điểm Luật Doanh nghiệp (DN) và Đầu tư mới có hiệu lực. Nếu các bộ tiếp tục không suy chuyển thì bộ ngành ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân…”.
Bình luận 0

Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)-cơ quan chủ trì chấp bút soạn thảo Luật DN và Đầu tư mới vừa có lực từ 1.7.2015.

Các bộ không thể “đẻ thêm” điều kiện…

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Luật DN và Đầu tư mới tạo sự thông thoáng và thuận lợi nhất cho DN. Trước khi hệ thống và rà soát lại, Việt Nam có tới 51 ngành nghề cấm kinh doanh nhưng đến nay đã rút lại chỉ còn 6 ngành nghề. Về điều kiện kinh doanh, trước đây là 386 ngành nghề nay chỉ còn 267 ngành nghề có điều kiện. Quốc hội và Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát lại. Nếu có điều kiện kinh doanh nào không phù hợp sẽ loại bỏ ngay theo tinh thần tạo thuận lợi cho DN. Từ 1.7, ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định từ cấp Chính phủ trở lên. Những trường hợp quy định điều kiện kinh doanh trái với thẩm quyền sẽ đương nhiên bị bãi bỏ.

img
Chế biến tôm xuất khẩu ở một công ty thủy sản tại Cà Mau.Ảnh: I.T
Ông Phan Đức Hiếu- Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Quản lý kinh tế Trung ương-CIEM) cũng khẳng định thêm, từ 1.7.2015 các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp sẽ không thể “đẻ thêm” các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nữa. Với các điều kiện kinh doanh đã được các bộ ngành địa phương ban ra trước thời điểm 1.7.2015, theo ông Hiếu cũng chỉ còn 1 năm nữa là phải được xóa bỏ, nếu không được xóa bỏ thì bản thân các điều kiện này cũng sẽ tự hết hiệu lực thi hành từ 1.7.2016.

 

Thực tế đến thời điểm này, chỉ có Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tuyên bố là bộ này đang rà soát và gỡ bỏ 398 giấy phép, quy định trong lĩnh vực nông nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Còn các bộ như Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên -Môi trường, Bộ Công Thương… với tổng cộng khoảng hơn 3.000 giấy phép, quy định trái thẩm quyền vẫn chưa thấy có tuyên bố nào về bãi bỏ.

“Rõ ràng, điều kiện kinh doanh đang là thể chế tạo ra rủi ro cho DN. DN không lớn được và không tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu. DN không cạnh tranh được với cơ hội kinh doanh mà các hiệp định thương mại tự do đưa lại với các điều kiện vô lý áp đặt lên”- ông Hiếu nói.

Không còn thời gian để “thờ ơ”

Thực tế, 1 năm tới là khoảng thời gian không chỉ để các bộ ngành địa phương rà soát để ban hành lại đúng thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh của DN và người dân mà các quy định ban ra còn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan và tiết kiệm chi phí cho DN.

Quan điểm

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng
 Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta phải ưu tiên loại bỏ các điều kiện, chi phí cản trở cạnh tranh càng sớm càng tốt ở tất cả các bộ ngành chứ không cần phải chờ hạn chót là 1.7.2016. Các bộ phải tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt bỏ những thủ tục hành chính, công khai hóa, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng bộ phận 1 cửa, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân. Bởi việc cắt giảm tối đa thời gian làm thủ tục cũng chính là tiết kiệm công sức, tiền bạc của người dân.  
Ông Hiếu cho biết, trong khoảng 1 năm tới chúng tôi sẽ tập hợp công bố công khai các điều kiện kinh doanh trái quy định để người dân nắm rõ. “Nếu các bộ ngành địa phương nào không bãi bỏ thì người dân cứ việc kiện. Các bộ ngành liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm khi gây thiệt hại cho người dân”- ông Hiếu nói.

 

“Người dân phải đi học luật để chấp hành đúng pháp luật tại sao các bộ ngành địa phương lại không thực hiện đúng luật? Tôi cho tới đây, các bộ ngành không thể tiếp tục thờ ơ để ban ra các điều kiện kinh doanh cản trở DN, người dân nữa”- ông Hiếu khẳng định thêm.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh lại: Việc các bộ cứ “khất lần” không chuẩn bị cho việc bãi bỏ này sẽ là điều vô cùng kỳ quặc. Các bộ ngành không nên và không thể tiếp tục thờ ơ. Bởi theo Luật DN và Đầu tư mới sẽ chỉ có 6 ngành nghề cấm kinh doanh, các quy định điều kiện khác đương nhiên không có hiệu lực.

“DN, người dân không đăng ký, báo cáo ngoài 6 ngành nghề này thì kinh doanh vẫn hợp pháp, ai ngăn cấm sẽ bị khởi hiện. Người dân, DN không cần hỏi bộ ngành nào về các điều kiện bị bãi bỏ. Vì luật đã ban hành có hiệu lực nên doanh nghiệp, người dân cứ đúng luật mà làm. Ai ra điều kiện thì khởi kiện. Hệ thống tòa án phải sẵn sàng chấp nhận các đơn khởi kiện này coi như là sự giám sát của tòa án với nhánh lập pháp và hành pháp. Khi đó, quyền tự do kinh doanh của người dân và DN bị vi phạm sẽ được xử lý!”- ông Cung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem