Ngày 9.8.2013 Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã ký Thông tư số 38/2013/TT – BNNPTNT để ban hành Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam bao gồm 785 loại phân bón được chia thành: Phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng; phân hữu cơ sinh học; phân hữu cơ vi sinh; phân vi sinh vật… và thông tư này có hiệu lực từ ngày 23.9.2013. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón bức xúc: Đáng lẽ ngày 23.9 Thông tư số 38 sẽ có hiệu lực, nào ngờ đến ngày 23.9 Bộ NNPTNT lại ra quyết định ngừng hiệu lực thi hành mà không hề đưa ra một lý do nào khiến hàng loạt doanh nghiệp lúng túng, trở tay không kịp.
Anh Võ Văn Phước Quệ bên hàng ngàn lít phân vi sinh nằm kho bởi quyết định khó hiểu của Bộ NNPTNT.
Anh Võ Văn Phước Quệ - Giám đốc Công ty TNHH Siêu Phân Bón (D62 đường 56, Khu đô thị Phú An, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: Để cho ra đời được một loại sản phẩm phân bón mới, công ty đã đáp ứng đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định. Từ đó, công ty đã đầu tư nghiên cứu ra loại sản phẩm phân bón vi sinh mới với mục tiêu: Giảm phân bón hóa học, giảm giá thành sản xuất lúa và có khả năng hạn chế sâu bệnh cho cây lúa và không độc hại cho con người. “Sản phẩm của chúng tôi đã được Cục trưởng Cục Trồng trọt ra quyết định công nhận là loại phân bón mới vào ngày 16.5.2013. Quyết định ghi rõ là có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Từ đó, công ty đã sản xuất ra 25.000 lít phân vi sinh để chờ thông tư có hiệu lực phục vụ cho vụ đông xuân tới đây. Ai dè lại xảy ra cớ sự tréo ngoe này” – anh Quệ bức xúc.
Đáng lẽ ngày 23.9 Thông tư số 38 sẽ có hiệu lực, nào ngờ đến ngày 23.9 Bộ NNPTNT lại ra quyết định ngừng hiệu lực thi hành mà không hề đưa ra một lý do nào khiến hàng loạt doanh nghiệp lúng túng, trở tay không kịp.
|
Chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Siêu Phân Bón - anh Nguyễn Hoàng Luân phàn nàn: Hiện tại công ty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua nguyên vật liệu để sản xuất phân bón, hàng tháng phải trả tiền thuê đất, tiền lương cho hơn 30 cán bộ công nhân viên, tiền lãi ngân hàng tròm trèm 200 triệu đồng. Trước cách làm khó hiểu của Bộ NNPTNT xem như mỗi tháng doanh nghiệp mất 200 triệu đồng. “Chúng tôi đang làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Quyết định ngừng hiệu lực này doanh nghiệp không hề hay biết gì và cũng không nhận được văn bản. Vì vậy hiện nay, công ty chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì nếu đưa sản phẩm ra thị trường thì sẽ bị phạt và nếu không đưa sản phẩm ra thị trường thì công ty sẽ phá sản chỉ vì sự thay đổi đột ngột các quyết định của Bộ NNPTNT” – anh Luân than khó.
Luật sư Nguyễn Văn Đức– Phó trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý, TP.Cần Thơ cho rằng: “Vấn đề đặt ra ở đây là cần xem lại tính pháp lý, tính thực thi của các loại văn bản; ở đây có sự mâu thuẫn nhau trong việc ban hành 2 loại văn bản. Theo tôi, đơn vị quản lý ngành cần có lời giải thích rõ ràng để có định hướng trong tương lai, nên khai thông để doanh nghiệp phát triển”.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.