Bỏ “bệnh” thành tích trong tiêu chí văn hóa

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 18/06/2016 06:30 AM (GMT+7)
Tiêu chí về văn hoá được xem là “phần hồn” của chương trình xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chương trình, việc thực hiện tiêu chí này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Bình luận 0

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện cả nước có 6.098/11.161 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá, thể dục, thể thao, chiếm tỷ lệ 54,6%; có 68.470/118.200 thôn, làng, ấp, bản có nhà văn hoá, khu thể thao thôn, đạt 57,9%.

img

Nhà văn hóa xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) được xây dựng đạt chuẩn. Ảnh: I.T

Nhìn chung, các thiết chế văn hoá, thể thao đã được đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động; cơ sở vật chất được tăng cường, nhờ đó mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân cũng từng bước được nâng lên. Theo Bộ VHTTDL, năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 2% so với năm 2014, trong đó có khoảng 2/3 số gia đình văn hoá ở nông thôn. Danh hiệu văn hoá được xem là động lực để người dân có ý thức, trách nhiệm hơn với chính cộng đồng và với chính danh hiệu đã đạt được.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo NTM T.Ư, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về phát triển văn hoá nông thôn chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Nhiều công trình văn hoá xây dựng hoành tráng, dẫn tới lãng phí, thậm chí nhiều trung tâm văn hoá, thể thao ở xã, thôn xây xong nhưng không có kinh phí hoạt động, không có người đến học tập, sinh hoạt. Đáng chú ý là nhiều nơi có biểu hiện chạy theo thành tích, đánh giá các chỉ tiêu còn dễ dãi, dẫn tới báo cáo không sát thực tế...

Để thực hiện tốt tiêu chí văn hoá (số 6 và 16), nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó việc nâng cao ý thức của động đồng, người dân về việc thực hiện, giữ gìn nếp sống văn hóa vẫn là quan trọng nhất. Về phía chính quyền, các địa phương cần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với chất lượng cao hơn, để mỗi làng quê trở thành một cộng đồng dân cư phát triển toàn diện về dân sinh, dân trí, dân chủ và văn minh.

Đặc biệt, phải loại bỏ “bệnh” thành tích trong việc đánh giá danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hóa, thôn bản văn hóa, để người nhận danh hiệu thấy vinh dự, tự hào và có trách nhiệm. Chứ không phải đạt danh hiệu văn hóa mà vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, cờ bạc rượu chè say xỉn, trộm cắp, xả rác ra môi trường... Văn hóa không phải chỉ đánh giá bằng các yếu tố vật chất, mà còn từ cách cộng đồng hành xử văn minh, đoàn kết lẫn nhau...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem