Bơ, chanh, khóm, mít Thái đồng loạt giảm giá, xuất khẩu rau quả vẫn kỳ vọng đạt 3,6 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 26/06/2021 18:30 PM (GMT+7)
Việc Mỹ, Trung Quốc tăng tốc mua rau, quả của Việt Nam đã giúp giá trị xuất khẩu rau, quả 5 tháng đầu năm 2021 tăng kỷ lục. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt 3,5 - 3,6 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-29, hiện giá nhiều loại trái cây đang giảm sâu.
Bình luận 0

Giá nhiều loại trái cây biến động giảm

Do tác động của dịch Covid-19, hiện, giá của nhiều loại trái cây đang vào mùa ở các địa phương giảm mạnh. 

Tại huyện Bến Lức (Long An), việc tiêu thụ chanh, khóm (dứa) của nông dân gặp nhiều khó khăn, giá khóm liên tục sụt giảm, từ 12.000 đồng/kg giảm xuống 9.000 đồng/kg và thời điểm hiện tại chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg.

Giá mít Thái tại tỉnh Long An cũng đang giảm mạnh. Hiện thương lái thu mua mít loại 1 với giá 12.000 đồng/kg, loại 2 với giá 6.000-7.000 đồng/kg. 

Giá thanh long ruột đỏ tại kho xuất đi trên địa bàn tỉnh Long An đạt khoảng 9.000-15.000 đồng/kg tùy loại 2, 3; giá thu mua tại vườn từ 3.000-5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng tại kho tại khoảng 9.000-12.000 đồng/kg, tại vườn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.

Giá chanh khoảng 5.000 - 6.500 đ/kg; giá xuất khẩu bình quân 8.000 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu chủ yếu Trung Quốc, Singapore, Trung Đông, Dubai….

Giá dưa hấu thu mua tại ruộng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg chưa phân loại, giá thu mua tại kho dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg theo loại.

Bơ, chanh, khóm, mít Thái đồng loạt giảm giá, xuất khẩu  rau quả vẫn kỳ vọng đạt 3,6 tỷ USD  - Ảnh 1.

Giá mít Thái ở Long An, Đắk Lắk giảm sâu, nông dân thua lỗ. (Ảnh: Duy Hậu).

Tại tỉnh Đắk Lắk, bơ Booth trái vụ rớt giá mạnh, trước đây trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, trong vụ vừa qua có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg; giá dứa bán xô khoảng 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện nay giá xuống thấp còn khoảng 6.000 đồng/kg. 

Tại tỉnh Trà Vinh, một số sản phẩm nông sản bị ảnh hưởng, rớt giá, tiêu thụ chậm, đang bị tồn đọng người sản xuất không có lời, bị thua lỗ.

Đơn cử như diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt 1.957 ha, diện tích cho trái 1.505 ha, sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay 4.000 tấn; xoài diện tích trồng 1.563 ha, diện tích cho trái 1.388 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 4.500 tấn.

Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 3,6 tỷ USD?

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 5/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau, quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam với 63,2% thị phần, giá trị đạt 866,2 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Theo Bộ Công Thương, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu rau, quả chính của Việt Nam, chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả.

"Xuất khẩu rau, quả đến các thị trường này có nhiều điểm thuận lợi như quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau, quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Nhiều tín hiệu giúp xuất khẩu rau, quả về đích 3,6 tỷ USD - Ảnh 1.

Thanh long Việt Nam được bày bán tại siêu thị Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 5/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau, quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhiều loại trái cây đặc sản và cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long... đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch, cộng với hiệu quả của các FTA, các chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu rau, quả của các bộ, ngành, địa phương đã mang tới hiệu quả cao cho các hoạt động của thị trường.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Bộ Công Thương phân tích, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt không ít khó khăn. 

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam làm gián đoạn hoạt động thu hoạch và sản xuất hàng rau, quả tại các khu vực trồng chính. 

Việc xuất khẩu chủ yếu ở dạng tươi khiến rau, quả Việt Nam khó cạnh tranh về chất lượng, giá cả ở các thị trường xa do thời gian cần phải tiêu thụ ngăn, chi phí bảo quản, chi phí vận chuyển cao.

 Đối với các loại quả đã được cho phép xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... lượng xuất khẩu vẫn rất hạn chế...

Dự báo, trong quý III/2021, xuất khẩu rau, quả vẫn gặp khó khăn do yếu tố lưu thông, vận chuyển hàng hóa còn nhiều hạn chế; mùa mưa bão bắt đầu tại vùng sản xuất nguyên liệu.

Cơ hội cho xuất khẩu rau, quả có thể tốt hơn vào quý IV/2021 khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Với việc đơn hàng quý III/2021 và quý IV/2021 bình quân tăng khoảng 20% so với 2 quý đầu năm, dự kiến xuất khẩu rau, quả cả năm ước đạt từ 3,5 - 3,6 tỷ USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem