Bộ Chính trị nêu giải pháp cấp bách khắc phục tác động của đại dịch Covid-19

PVCT Thứ bảy, ngày 06/06/2020 19:19 PM (GMT+7)
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Bình luận 0

Về định hướng, Kết luận của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. 

Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Bộ Chính trị nêu các giải pháp cấp bách để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ Chính trị trong một phiên họp (ảnh TTXVN).

Về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, Kết luận của Bộ Chính trị nêu: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020.

Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025. 

Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực.

Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 từ phương thức đầu tư đối tác công - tư sang đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án đối tác công - tư và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn, Kết luận của Bộ Chính trị chỉ rõ: Đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu trong các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính - ngân sách nhà nước, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác...

Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước. 

Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, thoái vốn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển vùng bền vững, đồng bộ, hệ thống, tạo tác động lan tỏa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem