NSND Trung Anh và nghệ sĩ Hoàng Tùng nhận Huy chương vàng diễn xuất với “Bạch đàn liễu” (đạo diễn NSƯT Trần Lực, đoàn kịch Lucteam). Vở diễn này cũng là một trong hai vở giành Huy chương Vàng cùng với “Người tốt nhà số 5” của Nhà hát Kịch Việt Nam, do NSƯT Tạ Tuấn Minh đạo diễn.
“Bạch đàn liễu” là tác phẩm của tác giả Xuân Trình, ngay khi ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Đó là nhờ làn gió mới mẻ, hơi thở thời sự mà đạo diễn Trần Lực và các nghệ sĩ như NSND Trung Anh mang lại. Trần Lực “mượn” ông bạn thân NSND Trung Anh từ Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh cũng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhờ “Bạch đàn liễu”.
Diễn viên Thu Quỳnh có thêm giải vàng diễn xuất với vai cô Nhung trong “Đợi đến mùa xuân”. Một tác phẩm khác của tác giả Xuân Trình do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, đạo diễn trẻ Duy Anh thực hiện, tác giả Nguyễn Vũ biên tập. Một tác phẩm 35 năm trước được làm mới, thông điệp vẫn đậm thời sự.
Nói về giải thưởng lần này, Thu Quỳnh cho rằng chính là sự “liều lĩnh” từ việc chọn kịch bản của đạo diễn, sự liều lĩnh của cá nhân và ê kíp để một lần nữa chạm tới những điều nhức nhối của ngành giáo dục. “Đợi đến mùa xuân” hạt sẽ nảy mầm. Vở diễn này cũng là thử thách với Thu Quỳnh.
“Người tốt nhà số 5” do NSƯT Tạ Tuấn Minh dàn dựng nhận tấm Huy chương vàng vở diễn không có gì lạ. Anh được trao giải thưởng xuất sắc cho vai trò đạo diễn. NSND Việt Thắng, Thế Nguyên, Ngô Thuận (Người tốt nhà số 5) nhận Huy chương vàng cá nhân.
“Người tốt nhà số 5” xoay quanh kỹ sư Hiệp được cậu bạn thân tên Bình mời về ở cùng ngôi nhà số 5 với các gia đình như ông Kỉnh trông coi bảo tàng, vợ chồng Thuỷ - Chất, mẹ con bà Ngoạt làm lốp, hai vợ chồng kỹ sư Bình - Yến. Căn phòng của Hiệp bị dột nát nhưng nhất định không chấp nhận bỏ tiền “hối lộ” cho người có chức trách tới sửa. Điều đó làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác. Từ chỗ là bạn thân, Hiệp dám đấu tranh phản đối Bình vì đề án sai lầm-phát triển cây sắn như thứ lương thực tối ưu. Sau rất nhiều mâu thuẫn, Hiệp bị đuổi khỏi căn nhà số 5.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo, NSND Hoàng Dũng nhận xét, với 13 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương khác, cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên tham gia, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4 đã có sức lan tỏa và thu hút được nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, hấp dẫn cuộc sống, cuộc đấu tranh của người Hà Nội xưa và nay.
Nhiều kịch bản cũ được dàn dựng với tư duy mới, nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng xuất hiện và có thể thấy một lớp diễn viên trẻ tài năng đã sẵn sàng thay thế lớp trước. Thế nhưng, đề tài về Hà Nội nói riêng và sân khấu nói chung vẫn thiếu vắng kịch bản mới, hay, thiếu những vở diễn phản ánh cuộc sống hôm nay một cách chân thực và sâu sắc. Những yếu tố như âm nhạc, thiết kế sân khấu còn chưa hài hòa, ít sáng tạo.
Giải Bạc vở diễn thuộc về vở “Tình sử Thăng Long” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Truyền tích Cổ Loa xưa” (Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh); “Trương Chi - Mị Nương” (Nhà hát Kịch Hà Nội).
21 diễn viên, nghệ sĩ được tặng Huy chương Vàng: NSND Việt Thắng, Thế Nguyên, Ngô Thuận (Nhà hát Kịch Việt Nam); Hồng Liên, Bá Chung (Nhà hát Chèo Bắc Giang); Nhật Tín, Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội); Thiện Tùng, Ngọc Quỳnh (Nhà hát Kịch Hà Nội); Lệ Trinh, Điền Trung (Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Văn Phương (Nhà hát Chèo Việt Nam); Như Huỳnh, Khánh Hòa (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu); Văn Đáng, Nguyễn Thị Lý (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Thiên Hương (Nhà hát Cải lương Hà Nội); Thu Quỳnh, Lý Chí Huy (Nhà hát Tuổi trẻ).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.