Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Bộ Công an vừa có văn bản (2029/C47(P8)) đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao để cơ quan này xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ “lá khat”.
Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề nghị xem “lá khat” là ma túy và xử lý hình sự những người vi phạm liên quan đến loại lá này.
Nhập để xuất ra nước ngoài
Theo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, từ cuối 2015 đến nay, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị phát hiện hàng chục vụ vận chuyển trái phép, thu giữ gần năm tấn “lá khat”.
Ở sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan chức năng phát hiện gần 200 bưu kiện “lá khat” (hơn 2,7 tấn) nhập và chuyển ra nước ngoài. Còn tại TP.HCM, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm kiện hàng với khối lượng trên hai tấn dưới tên gọi là “chè đen”, “chè xanh”…
Đại tá Mai Sơn Cương, Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, cho biết sau khi nhập “lá khat”, các đối tượng ở Việt Nam “thay tên, đổi họ” mang tên các loại thảo mộc, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác. “Việt Nam là nước có xuất khẩu chè nên các đối tượng trà trộn vào các loại thảo mộc khô, chè, cây nguyên liệu không chứa chất ma túy để tránh sự kiểm soát của các nước khác” - ông Cương nhận định.
Hơn 1,2 tấn “lá khat” bị bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh do công an cung cấp)
Chẳng hạn, Công ty TNHH XNK C.G (trụ sở tại TP.HCM) làm thủ tục xuất khẩu 34 kg “lá khat” đi Mỹ nhưng khai báo “lá henna” đã sấy khô dùng để chế tạo “mực xăm henna”. Công ty TNHH Dịch vụ thương mại H.N (tại Hà Nội) gửi 108kg “lá khat” dán nhãn là Moringa leave pure, natural dried leave (tên tiếng Việt là Chùm ngây khô, tinh chất tự nhiên) gửi đi Mỹ, Úc. Đây là những kiện hàng do công ty nhập khẩu về sau đó đóng gói, gắn nhãn mác của công ty rồi vận chuyển đi các nước tiêu thụ. Có lô hàng còn được phân bổ vào luồng xanh (miễn kiểm tra hải quan) khi xuất khẩu.
Ông Cương cũng cho biết qua công tác trinh sát chưa phát hiện việc sử dụng “lá khat” ở Việt Nam, chủ yếu là nhập về để xuất đi.
Loại ma túy cực mạnh
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Bộ Công an) cho biết: Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, trong “lá khat” có thành phần chất ma túy Cathione (nằm trong danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ).
Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “lá khat” không được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Theo ông Cương, “lá khat” (còn có tên gọi catha, thiên đường) là cây chứa chất ma túy được trồng nhiều ở châu Phi, tập trung chủ yếu ở Ethiopia, Kenya. Chất ma túy Cathinone có trong “lá khat” bị cấm sử dụng, kể cả trong y tế và nghiên cứu khoa học.
Loại lá này gây nghiện cao, tác hại lập tức và lâu dài của Cathinone có trong “lá khat” mạnh hơn cả ma túy “đá” và cocaine. Người nghiện sẽ không kiểm soát được hành vi, hoang tưởng, có thể gây trọng án và bị một loạt tác hại xấu đến sức khỏe khác như rụng răng, điên loạn, ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng, ung thư răng ( “lá khat” thường được nhai hoặc pha nước uống).
Để có cơ sở xử lý hình sự những người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “lá khat”, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã có văn bản nêu trên.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Nhằm ngăn ngừa việc nhập lậu loại lá này vào Việt Nam, ngoài việc trao đổi với các ngành liên quan để có biện pháp phòng ngừa, Cục cũng có điện, yêu cầu cảnh sát ĐTTP về ma túy 63 tỉnh, thành phối hợp chặt với lực lượng hải quan và kiểm soát cửa khẩu để ngăn việc đưa “lá khat” vào Việt Nam và gửi ra nước ngoài. “Song song với đó, chúng tôi cũng trao đổi với lực lượng phòng, chống ma túy của các nước, thông qua kênh liên lạc của các sĩ quan liên lạc thường trú tại Việt Nam đề nghị có sự phối hợp” - ông Tuấn thông tin.
|
Ngọc Bảo (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.