Cắt giảm điều kiện kinh doanh có “tái mọc”? (Ảnh: IT)
Tại buổi tọa đàm "Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp" diễn ra sáng nay 22.11, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: Trước đây, tôi nhớ Quyết định 109 của ngành giao thông vật tải đã bãi bỏ gần như hết các điều kiện kinh doanh nhưng sau đó lại hồi phục lại gần như toàn bộ, thậm chí còn “mọc” thêm một số điều kiện kinh doanh mới. “Quan trọng là ở tư duy cắt giảm, nếu các cơ quan chức năng vẫn đặt ra cách thức tiền kiểm mà không chuyển sang hậu kiểm thì không bao giờ cắt giảm được điều kiện kinh doanh”, TS Cung nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, mỗi khi xuất hiện một phương thức kinh doanh mới và xảy ra sự cố, báo chí vào cuộc và dư luận xã hội đặt câu hỏi: Cơ quan quản lý ở đâu thì lại xuất hiện tình trạng “mọc” ra các điều kiện kinh doanh để quản lý nên việc cắt giảm rồi nhưng “đẻ” thêm các điều kiện kinh doanh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong điều kiện kinh doanh, quan trọng nhất là thay đổi nội dung quản lý. “Tôi đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, nếu anh đáp ứng được tiêu chuẩn thì chúng tôi tiếp tục cho anh hoạt động nhưng không đáp ứng được thì chúng tôi sẽ xử lý”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, ngoài ra, cũng cần có sự thay đổi cách nhìn nhận mỗi vấn đề từ dư luận xã hội, vì một sự việc xảy ra ở Điện Biên không thể cứ đặt ra câu hỏi là trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu. Ông Khánh cho rằng, các bộ ngành không thể đủ lực lượng để kiểm tra hết mà chỉ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn ở địa bàn nào thì phải do chính quyền địa phương đó giám sát, kiểm tra. Đối với các cơ quan chức năng, ông Khánh cho rằng phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mới giải quyết được vấn đề "tái mọc" điều kiện kinh doanh.
Ông Khánh lấy ví dụ, với lĩnh vực ATVSTP cũng là lĩnh vực có nhiều điều kiện kinh doanh nhất: Trước đây, mỗi khi cho phép một cơ sở kinh doanh thì cơ quan chức năng thường phải kiểm tra vị trí như thế nào, độ sạch sẽ ra sao… Sau đó thấy đáp ứng mới cấp phép cho họ giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn và đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, hiện có hàng ngàn các cơ sở kinh doanh thực phẩm nên nếu triển khai đồng loạt như thế thì sẽ rất tốn thời gian. Do đó, các cơ quan chức năng chỉ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nếu cơ sở vi phạm nhẹ, thực hiện hậu kiểm sẽ cho họ khắc phục nhưng nếu nặng thì sẽ có hình thức xử lý bắt buộc phải đóng cửa.
Các chuyên gia cho rằng, để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không "tái mọc" và thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm (Ảnh: IT)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, để triển khai cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh liên quan tới 16 ngành nghề sẽ rất mất thời gian vì ít nhất phải sửa đổi 16 Nghị định. Do đó, Bộ Công Thương đã xin ý kiến và được sự chấp thuận của Chính phủ cho soạn thảo một Nghị định chung là Dự thảo nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương. Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến bộ ngành nên cố gắng trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 30.11 để ý nguyện cắt giảm hơn 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sớm thành hiện thực. |
Ông Trần Quốc Khánh cũng cho biết: Quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương đã liên quan tới 16 ngành nghề, xăng dầu, kinh doanh khí hóa lỏng, hóa chất, logistic, dịch vụ thương mại…
Đối với mặt hàng xăng dầu, ông Khánh cho rằng, thị trường xăng dầu là thị trường tương đối đặc biệt, mặt hàng quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho nhiều ngành sản xuất và giao thông. “Tuy nhiên, xã hội đã phát triển, nếu chúng ta có thể đưa thêm các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường để dần tăng tính cạnh tranh của thị trường thì việc cung ứng xăng dầu sẽ tốt hơn và giá cả cũng sẽ giảm hơn cho người dân. Chính vì vậy, chúng tôi đã cân nhắc xóa bỏ một số điều kiện và hợp lý hóa một số điều kiện về kinh doanh xăng dầu”.
Cũng liên quan tới điều kiện kinh doanh điện, ông Trần Quốc Khánh chia sẻ: Đối với lĩnh vực điện, mục tiêu là cắt giảm 18 điều kiện kinh doanh. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta biết là EVN độc quyền nhưng gần đây có nhiều đơn vị tham gia vào sản xuất điện. “Chúng tôi cũng đang hướng tới cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào thị trường trong thời gian tới trong cả 3 phân khúc là sản xuất, phân phối và truyền tải để có sự cạnh tranh trong ngành điện”, ông Khánh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.