Bộ Công Thương: Gần 10 năm, giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho giá điện sản xuất
Bộ Công Thương: Gần 10 năm, giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho giá điện sản xuất
An Linh
Chủ nhật, ngày 05/11/2023 09:28 AM (GMT+7)
Trong báo cáo gửi Quốc hội giải trình chất vấn của đại biểu, Bộ Công Thương cho biết, giá điện bán lẻ cho sản xuất đang thấp hơn chi phí và giá điện bán lẻ sinh hoạt đang bù chéo cho giá điện sản xuất.
Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ tháng 6/2014, do thực hiện nhiều năm qua, đã có những hạn chế như thực tế đang có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, chi phí nên giá bán cho nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất.
Bộ Công Thương cho rằng, giá bán cho nhóm khách hàng sản xuất đang thấp hơn chi phí cấu thành giá, nên ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điện giá thấp khiến các doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ, điều chỉnh sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng điện, thâm dụng điện cao… Đặc biệt là khi nhóm tiêu dùng này chiếm tỷ trọng lớn trong phụ tải của hệ thống điện.
Bộ Công Thương khẳng định từ năm 2022 Bộ đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, dự kiến biểu giá điện bậc thang 6 bậc hiện nay sẽ rút xuống còn 5 bậc và việc sử dụng điện càng nhiều sẽ càng phải trả tiền cao hơn.
Cụ thể, tại thang điện 6 bậc hiện hành, hộ sử dụng từ kWh thứ 401 kWh điện/tháng trở lên, sẽ chịu mức giá từ 3.015 đồng/ kWh. Giá điện thang 5 bậc sẽ tăng rất mạnh đối với hộ sử dụng nhiều điện, từ 401 kWh trở lên.
Với thang điện 6 bậc, hộ dùng từ 701 kWh/ tháng trở lên cũng chỉ tính giá bằng với giá điện của hộ gia đình sử dụng trên 401 kWh điện là 3.015 đồng/ kWh. Trong khi đó, thang 5 bậc, hộ sử dụng điện trên 701 kWh/tháng sẽ chịu giá đắt hơn 441,6 đồng/ kWh. Biểu giá điện 5 bậc sẽ tính giá tiền cao hơn đối với hộ sử dụng điện từ 401 kWh trở lên, điều này đồng nghĩa với sử dụng nhiều điện, sẽ chịu giá đắt đỏ hơn.
Mới đây, theo báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan Quốc hội khẳng định: Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thực tế thị trường điện nên không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào và cũng chưa hình thành giá theo từng khu vực địa lý.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về giá điện cũng bộc lộ bất cập, như hiện chưa có quy định về giá phân phối điện và giá này do Nhà nước điều tiết tương tự giá truyền tải điện. Giá điện chưa tính đúng, đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực, theo cơ quan thẩm tra.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng tỷ lệ sử dụng điện Việt Nam rất cao, trong đó tình trạng thâm dụng diện đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Thành cho biết, Trung Quốc hiện tiêu thụ gần 6.000 kWh/người, nhưng có GDP bình quân đầu người gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam, Vương quốc Anh là hơn 10 lần. Tuy nhiên, ở kịch bản tăng trưởng lạc quan, GDP/người của Việt Nam đạt 7.000 USD năm 2030, xấp xỉ một nửa mức GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc, mức tiêu thụ điện tương ứng 4.500 kWh/người là quá lớn.
Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan. Một trong những yêu cầu của chuyển đổi xanh là Việt Nam phải giảm cường độ sử dụng năng lượng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng điện.
"Nếu không giảm được cường độ sử dụng điện hay chỉ giảm ít thì nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng 7%/năm từ 2024 đến 2030. Theo kịch bản này, tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Anh hiện nay", ông Thành nêu.
Ngày 30/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74/2022 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có nhắc đến việc 13 dự án chậm tiến độ của "ông lớn" điện, than và dầu khí.
Cụ thể 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, mới có 1 dự án đang triển khai thực hiện, các dự án khác đang rà soát, xử lý.
Liên quan đến quy hoạch điện VIII, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội Khóa XV diễn ra tháng 5/2023, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Quy hoạch điện VIII chậm ban hành khiến nhiều dự án điện tái tạo gặp khó khăn, bên cạnh đó có đại biểu cho rằng việc không xem xét đưa các dự án điện tái tạo vào Quy hoạch Điện VII, ĐIện VII điều chỉnh đã khiến các doanh nghiệp điện gặp khó khăn, nhiều dự án đứng trước nguy cơ phá sản do không đàm phán được giá bán điện với EVN dù đầu tư nhiều tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.