5 đợt giảm giá điện và tiền điện, số tiền hỗ trợ hơn 15.200 tỷ đồng

An Linh Thứ sáu, ngày 20/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, qua 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số tiền theo báo cáo của EVN là hơn 15.234 tỷ đồng.
Bình luận 0

65,4 triệu khách hàng được giảm tiền điện

Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về lĩnh vực Công Thương, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo nhóm 4 vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch điện, điều hành giá điện.

Bộ trưởng Công Thương: Giảm giá tiền điện lên đến hơn 15.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, báo cáo các nhóm vấn đề với Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.VN)

Liên quan đến vấn đề giá điện, Bộ trưởng Công Thương cho biết, điện là loại hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện có thể có tác động không nhỏ tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên Quyết định 24/2017/QĐ-TTg cũng quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến.

Trong các năm từ cuối 2020 đến hết 2022, giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực giữ ổn định. Trong giai đoạn dịch Covid -19 bùng phát mạnh trong các năm 2020, 2021 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hướng dẫn EVN thực hiện 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu báo cáo lại của EVN cho Bộ Công Thương, tổng số tiền hỗ trợ đến nay là khoảng 15.234 tỷ đồng, trong đó có 65,462 triệu khách hàng được thụ hưởng. 

Bộ Công Thương khẳng định, việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 05 đợt nêu trên thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN với các khó khăn của doanh nghiệp và người dân, chung tay cùng các Bộ ngành đề ra các cơ chế chính sách nhằm từng bước khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ cuối quý I năm 2022, giá nhiên liệu tăng cao đã làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, chỉ đạo EVN phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Thực hiện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, trên cơ sở phương án giá điện do EVN xây dựng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, không giật cục, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã được EVN điều chỉnh tăng ở mức 3% từ ngày 04 tháng 5 năm 2023. 

Đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đồng thời cũng giải quyết một phần khó khăn về tình hình tài chính và dòng tiền của EVN.

Theo ông Diên, trong thời gian tới, giá điện sẽ tiếp tục được điều hành theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện thời gian qua và phù hợp với giai đoạn sắp tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Về các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết đã thực hiện, triển khai nghiêm túc thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện đến 2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam về triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023; chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện có các tổ máy đang bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục để sẵn sàng phục vụ phát điện; chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng để duy trì vận hành ổn định lưới điện truyền tải trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ đạo các đơn vị rà soát kế hoạch sản xuất của các đơn vị, đảm bảo các đơn vị chuẩn bị đủ nguồn nhiên liệu; không để tình trạng nhà máy sẵn sàng phát điện, nhưng thiếu than không phát đủ công suất, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới đang triển khai để kịp thời đưa vào vận hành nhằm đảm bảo cung ứng điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem