Tình trạng ùn tắc hàng nông sản của Việt Nam khi XK tại các cửa khẩu sang Trung Quốc (TQ) diễn ra hết năm này sang năm khác. Phải chăng, chúng ta bất lực trước thực trạng này, thưa ông?
Xe tải chở dưa hấu xếp hàng dài chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Đàm Duy
- Đặc thù của việc XK hàng nông sản theo dạng tiểu ngạch sang TQ đã dẫn đến tình trạng ùn tắc nông sản của ta. XK tiểu ngạch thường tiềm ẩn nhiều bất ổn cũng như rủi ro từ việc thay đổi chính sách trong kiểm dịch, tiêu thụ, không được thông báo trước từ phía TQ. Hoặc do năng lực giao nhận, hạ tầng tại những lối mở không phát triển kịp làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc. Mặt hàng nông sản lại khác với các mặt hàng công nghiệp là có độ hư hỏng nhanh đến vụ là phải bán.
Buôn bán tiểu ngạch Việt Nam-TQ không giống thương mại quốc tế, do những chính sách của hai bên, đặc biệt do từ phía TQ, từ đó dẫn đến việc chúng ta phải phụ thuộc nhiều vào họ.
Vậy người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam cứ mãi phải gánh chịu những thiệt thòi và phụ thuộc này, thưa ông?
- Chúng ta đã có nhiều giải pháp như cố gắng buôn bán theo tập quán quốc tế với TQ nhưng cũng còn khó khăn. Từ việc tiêu thụ dưa hấu cho thấy, việc nghiên cứu thị trường cũng như khâu tổ chức cho người dân không định hướng được rõ ràng, trong khi số lượng thương lái của hai bên chưa nhiều và cũng không có liên kết. Khai thác lợi thế là điều ai cũng hiểu. Song doanh nghiệp chế biến, XK liên kết thế nào với dân thì chưa có, thị trường vẫn chủ yếu là thương lái thu mua. Dưa hấu hay những nông sản mang tính mùa vụ chỉ rộ lên vài tháng, có quy hoạch mà khâu tổ chức không tốt thì chắc chắn người dân sẽ bị động đầu ra. Tôi cho đã đến lúc cần xem xét vấn đề thị trường cho nông nghiệp là bài toán chung của cả hệ thống, trong đó thông tin tuyên tuyền cần phải cập nhật hàng ngày. Việc đổi mới không chỉ mô hình mà cả trong tư duy của nông dân và các thành phần kinh tế khác.
Cụ thể “bài toán chung của cả hệ thống” ở đây là như thế nào để có thể giúp cải thiện được vấn đề tiêu thụ nông sản qua biên giới hiện nay, thưa ông?
- Tức là việc tổ chức sản xuất, gắn kết sản phẩm nông sản với thị trường là trách nhiệm chung của Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng chính sách phát triển thị trường và đưa ra biện pháp cụ thể để củng cố thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không làm một mình được mà cần sự phối hợp với Bộ NNPTNT dựa trên quy hoạch chung. Phải thừa nhận sự phân công giữa các bộ, ngành trong vấn đề này thiếu sự tổng thể đã dẫn đến tình trạng đứt đoạn thông tin. Đứt đoạn ở đây là giữa bộ, ngành quản lý của Nhà nước với địa phương, cũng như đứt đoạn giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công Thương không thể đi bán vải, bán cá, bán dưa hấu. Điểm mấu chốt trước tiên là khâu chính sách. Từ thực tế các mặt hàng nông sản vừa qua, ngành nông nghiệp và công thương cần ngồi lại xây dựng cơ chế phối hợp tránh tình trạng đứt đoạn thông tin và có cơ chế điều hành phù hợp với các mặt hàng nhạy cảm trước tác động thị trường như nông sản.
Vậy trước mắt để tránh những cảnh nông sản ùn tắc khi xuất qua biên giới sang TQ tiếp diễn, Bộ Công Thương cũng như các địa phương đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Bộ Công Thương cũng như các địa phương đã rút ra các bài học để triển khai tốt hơn công tác thị trường nông sản trong thời gian tới. Chúng tôi đã kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét, bàn với địa phương có biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thông quan tại khu vực cửa khẩu biên giới với sự tham gia của lực lượng chức năng hai nước...
Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và XK với khâu sản xuất của người nông dân. Trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao trình độ và chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới có quy mô lớn hơn, có điều kiện tiếp cận với doanh nghiệp, tạo liên kết với vùng nguyên liệu, hướng sản phẩm nông sản đạt đến những quy chuẩn chất lượng sản phẩm bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Khó tránh rủi ro
Nông sản Việt Nam XK qua đường tiểu ngạch sang TQ không tránh khỏi những rủi ro. Đây là thực tế cần phải được nhìn nhận rõ. Chỉ ví dụ gạo, nếu XK qua cửa khẩu chính thì thuế suất là 17%, ngoài ra còn bị kiểm soát chặt chẽ từ tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh... Bộ Công Thương cần xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp XK qua các cửa khẩu chính, phải tạo cơ chế điều hành cho doanh nghiệp tận dụng chính sách thương mại biên giới. Những quy định phù hợp về chất lượng mà phía bạn yêu cầu phải giúp dân nắm rõ.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Vẫn đùn đẩy trách nhiệm
Với thị trường Trung Quốc, cần làm việc với họ để hai bên phối hợp, tăng khả năng thông quan, mở rộng thêm kho bãi. Có thể hình thành các tổng kho, lưu giữ hàng hóa. Năm nào nông sản của ta sang TQ cũng tắc, vậy có thể điều tiết số lượng đầu xe của các tỉnh lên cửa khẩu, tránh gây ùn ứ như hiện nay. Tôi cho rằng các bộ vẫn đùn đẩy trách nhiệm, chưa dấn thân vào cuộc. Năm nào cũng xảy ra ùn tắc nông sản ở cửa khẩu là do chúng ta không thiết lập được chuỗi sản xuất và tiêu thụ, chưa chú trọng thiết lập kênh tiêu thụ ở siêu thị, chợ đầu mối, bán lẻ nội địa...
Hải Quỳnh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.