Danh hiệu đang bị "chợ hóa"?
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhiều năm gắn bó với lĩnh vực sân khấu với tư cách là người biểu diễn, anh nhận thấy, cứ đến mùa xét tặng danh hiệu là các hội diễn được biến thành cái “chợ”.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với sân khấu truyền thống
Nghệ sĩ là những kẻ cùng nhau đi tranh cướp huy chương, người già cố thủ, người trẻ hậm hực vì không được trao cơ hội thể hiện tài năng. Vô hình trung biến không ít nghệ sĩ thành những kẻ cơ hội hay làm giảm bớt nhiệt huyết nghệ thuật trong các nghệ sĩ trẻ.
Còn xét tặng danh hiệu kiểu này thì chỉ gây thêm sự chia rẽ trong nội bộ giới nghệ sĩ mà thôi.
“Mùa xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND này, không nói những nghệ sĩ nằm trong danh sách xứng đáng hay không, việc loại những nghệ sĩ bậc thầy của làng chèo, cải lương đương đại hay một số nghệ sĩ có tài được ghi nhận khác ra khỏi danh sách bởi lý do này, lý do kia cho thấy, vẫn còn những điều chưa phù hợp cần phải điều chỉnh nếu vẫn còn giữ hoạt động này”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nói.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng (Vượng râu), điều cần thay đổi hiện nay đó chính là tiêu chí xét giải. “Theo quan điểm của tôi, nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân ngoài việc phổ cập tên tuổi, hình ảnh còn phải là nhiều đêm diễn phục vụ khán giả. Nhưng nhiều NSƯT, NSND, thẳng thắn mà nói thì mới chỉ bằng một góc các nghệ sĩ hài chúng tôi. NSND mà không được nhân dân biết mặt biết tên thì là một thất bại của người phong và người nhận. Cho thấy, đó chỉ là thành tích trên giấy và danh hiệu hão.
Lẽ ra, khi được phong danh hiệu thì người nghệ sĩ đó phải có sức ảnh hưởng lớn hơn nữa, như cụ hề chèo Mạnh Tuấn, cụ Hà Thị Cầu (xẩm) hay cụ Quách Thị Hồ (ca trù). Đằng này xét tặng rồi thì một số họ chỉ đóng khung và cả đời diễn một vài vai với một vài phim thì cái danh diệu đó chỉ là bùa dán mồm mèo thôi, không còn gì là danh giá nữa.
Trước vấn đề đang được một số nghệ sĩ đặt ra là nên bỏ đi danh hiệu này, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng cho hay: "Nếu làm một cuộc khảo sát về việc bỏ danh hiệu hay không, tôi nghĩ, chưa chắc người ta mong giữ lại hơn là bỏ! Bởi vì khi các nghệ sĩ không danh hiệu thì họ vẫn diễn, vẫn cống hiến. Ví dụ như chị Minh Vượng, chị Minh Hằng hay một số anh chị nghệ sĩ sân khấu khác, họ cũng miệt mài luyện tập, lưu diễn, chả nhẽ khi bỏ cái xét duyệt này mà họ lại bỏ nghề à? Vấn đề ở đây là sự bất cập về tiêu chí xét giải nên sinh ra tiêu cực".
"Từ các nhà hát cũng mong mình nhiều ưu tú, nhân dân; từ các tỉnh cũng mong có con em có danh hiệu cho vẻ vang tỉnh nhà... Nhiều NSNƯT, NSND làm gì khi phần lớn các nhà hát không bán được vé. Cái này còn làm là còn lạc hậu và thụt lùi. Ngay cả Nga hay Trung Quốc đều bỏ rồi, vậy chúng ta giữ làm gì? Còn nếu giữ thì cần phải mở rộng cho nhiều nghệ sĩ tham gia. Như tôi và anh Giang Còi là những nghệ sĩ học hai bằng tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, không công tác ở cơ quan nào nhưng cống hiến cũng chả kém cạnh ai. Vậy thì chúng tôi không thi thố, không huy chương sẽ mãi mãi chả có cơ hội", Vượng râu nói.
Anh cũng đề xuất, để thay đổi thì việc đầu tiên là “làm ơn bỏ cái thủ tục làm đơn đi xin đi. Quy định này đã vô tình gạt ra những tên tuổi bậc thầy, vì họ tự trọng lắm, chả đi làm đơn để “xin xét duyệt” bao giờ đâu”.
Nếu Tự Long được thì Xuân Hinh, Chí Trung xứng đáng từ lâu rồi
Liên quan đến những ý kiến trái chiều về việc nghệ sĩ Tự Long được phong danh hiệu NSND, mới đây, anh cũng đã lên tiếng để giải tỏa những thắc mắc về việc cho rằng, anh không đủ thời gian công tác. Bởi năm 2012 anh mới được phong NSƯT thì năm 2015 đã được lên NSND là chưa đạt, vì theo quy định phải là đủ 5 năm mới được xét. Nhưng đó là quy định cũ, còn theo Nghị định 89 mới đã thay đổi, bỏ quy định này. Theo đó, chỉ cần người nghệ sĩ có đủ 20 năm công tác, sau danh hiệu NSƯT có đủ 2 HCV là được xét NSND.
ự thay đổi này chính là một trong những nguyên nhân gây đột biến với 105 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND. Trong khi đó, đợt 1 chỉ có 40 NSND, đợt 2 chỉ có 13, và gần đây nhất vào năm 2011, nhiều nhất trong các năm trước đó cũng chỉ có 74 nghệ sĩ được phong. Thay vì 5 năm mới có hội diễn thì bây giờ, 3 năm đã tổ chức. Số hội diễn cũng được mở ra khá nhiều. Ngoài hội diễn của từng lĩnh vực như: chèo, cải lương, kịch nói toàn quốc còn có Liên hoan sân khấu toàn quốc nói chung, Liên hoan hình tượng người chiến sĩ công an...
Xuân Hinh khó có cơ hội thành NSND vì giờ anh không còn muốn làm đơn xin xét
Tuy nhiên, nói về danh hiệu NSND của Tự Long được xét duyệt lần này, đa số các nghệ sĩ đều thấy anh hoàn toàn xứng đáng. Không chỉ có nhiều huy chương và hơn thời gian công tác đúng tiêu chuẩn, anh còn là nghệ sĩ hiếm hoi phát huy khả năng của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau chỉ không chỉ đóng khung trong lĩnh vực mà mình tham gia là chèo. Anh làm MC, diễn hài, làm diễn viên... và đều làm tốt các vai mà mình tham gia.
Nhưng từ trường hợp của Tự Long, nhìn ra các nghệ sĩ khác cũng có những đóng góp như thế, nhưng vẫn bị bỏ xót chỉ vì những lá phiếu của Hội đồng. Những Chí Trung, Thành Lộc “phù thủy sân khấu”, hay những nghệ sĩ bậc thầy của làng chèo, cải lương đương đại đã bị gạt ra là một sự nuối tiếc và cả xót xa của người trong nghề.
Nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng thẳng thắn: “Từ khoảng 10 năm trở lại đây, nếu trường hợp nghệ sĩ Xuân Hinh không được xét tặng NSND thì tôi nói thẳng chả ai xứng đáng hơn. Việc nghệ sĩ Tự Long được phong NSND hoàn toàn hợp lý, cũng như trường hợp chị Lê Khanh trước đây. Còn những nghệ sĩ Minh Hằng hay Chí Trung và Minh Vượng... tôi nghĩ các anh chị ấy xứng đáng là NSND lâu rồi”.
Sau lần bị “đánh trượt” hai lần vào năm 2007 và 2011 (dù anh đủ tiêu chuẩn) thì Xuân Hinh đã chán nản không còn muốn nhắc đến danh hiệu này nữa. Và chắc chắn, khi không làm đơn xin xét, Xuân Hinh sẽ không bao giờ được xét danh hiệu NSND. Chắc có lẽ lại phải tuân theo cách thức cũ là chờ được... đặc cách, như trường hợp của cố nghệ sĩ Văn Hiệp, Phương Thanh, Nguyễn Anh Dũng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.