Người lính chung tay
Là địa bàn biên giới, xã Ia Dom có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Bắt tay vào chương trình xây dựng NTM từ năm 2011, song kinh tế xã Ia Dom vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21,84%, các mặt hàng nông sản làm ra liên tục mất giá làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con và tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng NTM, khiến địa phương khó có thể hoàn thành 19 tiêu chí theo lộ trình đề ra.
Mô hình phát triển vườn tiêu hộ gia đình do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh xây dựng đã phát huy hiệu quả tại xã Ia Dom. Ảnh: Q.D
Năm 2014, UBND Gia Lai đã giao cho lực lượng biên phòng tỉnh đỡ đầu xã Ia Dom thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh huy động lực lượng tại chỗ là Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Ban chỉ huy Biên phòng Gia Lai đã lập bộ phận chuyên trách xây dựng NTM do thiếu tá Vũ Văn Hoằng làm Tổ trưởng, với nhiệm vụ bám sát các thôn làng, tăng cường tuyên truyền vận động, kết hợp giúp nhân dân và chính quyền xã Ia Dom, trong đó quan trọng nhất là phát triển kinh tế.
Trò chuyện với phóng viên, thiếu tá Vũ Văn Hoằng cho biết: “Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cùng chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo bền vững, từ đó kinh tế từng bước được cải thiện, ý thức cộng đồng nâng cao. Đặc biệt, với phong trào “Chung tay xây dựng NTM”, đồng bào tham gia rất sôi nổi thông qua việc hiến đất, đóng góp ngày công, vật tư để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Đón năm mới với diện mạo mới
Theo ông Ngô Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Dom, năm 2015, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp của Ia Dom đạt hơn 1.000ha, tăng gần 200% so với kế hoạch đề ra; cây công nghiệp cũng được chú trọng với 282ha cao su tiểu điền, 377ha cà phê, gần 100ha hồ tiêu, 449ha điều đã cho thu hoạch... Đây không chỉ là nguồn thu lớn cho người dân mà còn là minh chứng cho lòng quyết tâm vượt qua đói nghèo, sự thay đổi về tư duy sản xuất của đồng bào.
Ông Ngô Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, ở Ia Dom bây giờ xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi như hộ ông Hoàng Văn Thanh, dân tộc Tày (làng Mook Đen) sở hữu 6ha cao su kinh doanh, 4ha mì, mỗi tháng thu nhập hơn 15 triệu đồng. Đặc biệt là trường hợp anh Rơ Châm Tích, dân tộc Jrai (làng Mook Đen 1), trước đây thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng cao su, cà phê kết hợp các loại cây ngắn ngày nên mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 250-300 triệu đồng.
Về xã vùng biên Ia Dom những ngày này, chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của nơi đây: Đường giao thông được trải nhựa, bê tông phẳng lỳ; đời sống người dân không ngừng được cải thiện... Càng vui hơn khi những ngày đầu năm mới 2016, xã Ia Dom đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.