Bộ Giao thông vận tải: Xây sân bay Long Thành là "lựa chọn hiệu quả nhất"

Chủ nhật, ngày 18/08/2013 18:57 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị không nên xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn.
Bình luận 0

img
Mô hình sân bay quốc tế Long Thành.

Như Dân Việt đã đưa tin, vào ngày 15.07.2013, hai ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công Đoàn bay 919) và Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng Phòng Quản lý bay Sân bay Tân Sơn Nhất) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị ‘‘Không nên xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành’’.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6493/VPCO-KTN (do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Vũ ký) gửi Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ ý kiến của 2 ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị không nên xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn, Bộ GTVT khẳng định cần thiết phải xây dựng thêm cảng hàng không hỗ trợ, thay thế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành là lựa chọn hiệu quả nhất.

Theo Bộ GTVT, ý tưởng xây dựng sân bay Long Thành hình thành từ những năm 1980, qua quá trình nghiên cứu, đã dần hoàn thiện về một cảng hàng không quốc tế (CHKQT) trung chuyển lớn nhất toàn quốc, có khả năng phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng không và có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trung chuyển trong khu vực và thế giới.

Trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành số 21/QĐ-TTg Ngày 08/9/2009, cũng đã xác định rõ vai trò CHKQT Long Thành là “đảm bảo vai trò hỗ trợ CHKQT Tân Sơn Nhất, trở thành CHKQT quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là CHKQT lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế. CHKQT Long Thành đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO với tổng công suất từ 80 đến 100 triệu HK/năm”.

Lý giải việc vì sao chọn Long Thành, Bộ GTVT cho rằng, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là một trong những khu vực phát triển nhanh và ổn định nhất trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng khá.

Dân số Việt Nam đến nay đã gần 90 triệu người là một thị trường tiềm năng về giao thông vận tải trong đó có giao thông vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong những năm qua, các CHK dân dụng của ta chưa khai thác tốt các lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng thị trường. Trong khi các quốc gia láng giềng, nhất là trong khu vực Đông Nam Á đã lần lượt mở cửa các CHKQT lớn, cạnh tranh để đóng vai trò trung chuyển và việc hình thành CHKQT đóng vai trò Trung tâm trung chuyển trong khu vực là hướng phát triển khả quan.

Trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh đến dự báo tăng trưởng sản lượng hành khách thông CHKQT Tân Sơn Nhất năm nay khoảng 19 triệu lượt khách. Từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ đạt công suất thiết kế là 20-25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải các năm sau đó.

Tuy nhiên, việc mở rộng để nâng công suất CHKQT Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác là rất khó thực hiện được do Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực dân cư dày đặc và các đường phố chính đã giới hạn khu vực này và quỹ đất dành cho phát triển mở rộng rất hạn chế nên cũng khó phát triển hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng khi nâng cao công suất khai thác.

Chưa kể, việc mở rộng để nâng công suất CHKQT Tân Sơn Nhất còn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP.HCM như tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép...

Thu Tuyết (Thu Tuyết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem