Chiều 29.3, Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp báo giao ban báo chí quý I.2018. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã giải đáp nhiều câu hiểu, sự việc liên quan đến ngành đáng chú ý trong thời gian vừa qua.
Chiều 29.3, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo định kỳ quý I.2018 do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì. Ảnh: T.An
Giải đáp thắc mắc nguồn vốn 18.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Cụ thể, liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ đồng đã đồng ý với đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT, chọn phương án mà tư vấn ADPI (Pháp) nghiên cứu, xây nhà ga về phía nam, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT.
Tổng khái vốn để mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất 18.000 tỷ đồng
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam bao gồm mở sân đỗ, nhà ga và tuyến giao thông kết nối. Đặc biệt, Bộ GTVT xác định sẽ làm đường lăn để thoát máy bay trên đường băng càng nhanh càng tốt. Tổng khái vốn để mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất 18.000 tỷ đồng. Đây là phương án tương tự tư vấn Việt Nam đã báo cáo trước đây và được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đông cho rằng, thời điểm này – với sự phát triển hành khách gia tăng lớn, việc mở rộng Tân Sơn Nhất rất bức thiết còn sân bay Long Thành là phương án trong tương lai. Vì vậy, việc xây dựng nhà ga, sân đỗ, đường lăn phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
“Tới đây, Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch, lộ trình xây dựng cụ thể các hạng mục để báo cáo lại Thủ tướng. Đồng thời, Bộ phối hợp với TP.HCM nghiên cứu xây dựng các công trình kết nối” – Thứ trưởng Đông nói.
Trả lời về nguồn vốn 18.000 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Đông cho hay, hạng mục xây dựng nhà ga, đường lăn sẽ được lấy từ nguồn tiền của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Còn một số hạng mục khác sẽ kêu gọi nhà đầu tư vào thực hiện. Lộ trình cụ thể xây dựng từng hạng mục, nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ rõ ràng.
Sẵn sàng gặp gỡ tài xế Uber
Một sự việc rất được dư luận quan tâm thời gian gần đây, đó là việc Grab thông báo thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả dịch vụ Uber Eats. Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc Uber sáp nhập vào Grab, các bộ, ngành đều có quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, được điều chỉnh bằng Luật Cạnh tranh.
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về thương vụ Uber sáp nhập vào Grab. Hiện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Đồng thời, phía Grab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mà hãng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á.
“Họ có quyền sáp nhập theo luật pháp. Quan điểm của Bộ GTVT là phối hợp với các bộ, ngành theo sát thương vụ này của Grab, không để tình trạng độc quyền kinh doanh vận tải, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” – ông Ngọc bày tỏ.
Bộ GTVT sẵn sàng giao cho Vụ vận tải tiếp xúc, giải đáp các tài xế Uber sau thương vụ Grab "thâu tóm" Uber tại Đông Nam Á
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, phải xác định Uber, Grab là giải pháp công nghệ, cung cấp cho đơn vị thực hiện kinh doanh GTVT. Ở Việt Nam đã áp dụng và cho thí điểm, việc Uber sáp nhập vào Grab là hoạt động của doanh nghiệp, chiếu theo luật doanh nghiệp, họ hoàn toàn có quyền làm điều đó.
Thứ trưởng Đông khẳng định, không lo ngại việc Grab độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, bởi sau 2 năm thí điểm, không chỉ có Uber, Grab mà còn các hãng công nghệ khác. Việc cạnh tranh giữa Uber, Grab kết thúc nhưng việc cạnh tranh giữa nhà cung cấp phần mềm vẫn còn. Về vấn đề tài xế Uber kêu cứu, Bộ GTVT sẵn sàng giao cho Vụ vận tải tiếp xúc, giải đáp các tài xế trên tinh thần đồng cảm, chia sẻ. Bộ GTVT khuyến cáo, lái xe khi thoả thuận với Uber, Grab nên xem xét các quyền lợi của người lao động để ký hợp đồng thoả thuận theo luật Lao động, đảm bảo quyền lợi của mình.
Cũng tại buổi giao ban, trước đề xuất của tỉnh Thái Bình đề nghị mua lại dự án BOT Quốc lộ 39, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Nhà nước hết sức khó khăn vì hiện tại ngân sách không có để mua lại dự án. Ngoài ra, cũng phải xem xét lại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để tính toán việc thu hồi vốn. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị không thu phí tại trạm cầu Tân Đệ để thu hồi vốn cho dự án BOT Quốc lộ 39. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.