Bỏ hạn điền đối với đất nông nghiệp

Thứ tư, ngày 13/03/2013 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là đề nghị của nhiều đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức cơ quan T.Ư Hội NDVN vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, do T.Ư Hội NDVN tổ chức chiều 12.3 ở Hà Nội.
Bình luận 0

Cùng tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đặng Thế Vinh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển.

img
Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 12.3.

Tạo điều kiện cho ND tích tụ ruộng đất

Các đại biểu khẳng định những điểm mới trong dự thảo luật đã cơ bản giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong thực thi Luật Đất đai hiện hành. Song, nhiều nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa nhằm quy định chặt chẽ hơn, nâng tính khả thi và nhất là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ND.

“Nhà đầu tư bỏ mấy trăm nghìn bồi thường 1m2, bỏ thêm vài triệu đồng gọi là xây dựng cơ sở hạ tầng rồi bán tới vài chục triệu đồng thì dân mới bức xúc, khiếu kiện”.

Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn sử dụng đất, trong đó đất nông nghiệp lên 50 năm như dự thảo. Nhiều đại biểu đề nghị nên bỏ quy định về hạn điền trong Điều 124 của Dự thảo Luật để tạo điều kiện thuận lợi cho ND tích tụ ruộng đất, yên tâm đầu tư lâu dài, hợp tác sản xuất vươn lên sản xuất lớn.

Để làm được, theo ông Nguyễn Văn Phan - Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng T.Ư Hội, việc thực hiện giao đất đối với đất không thu tiền sử dụng đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp theo hướng Nhà nước nên căn cứ vào quỹ đất thực tế của địa phương, xác định hạn mức đất tối thiểu để hộ gia đình, cá nhân sản xuất đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Quỹ đất còn lại, Nhà nước nên giao đất phù hợp với năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của hộ gia đình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng cho rằng, trong thực tiễn nông nghiệp đã manh nha những mô hình có chiều hướng sản xuất hàng hóa tập trung như cánh đồng mẫu lớn. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần ghi nhận những ý kiến nên bỏ hạn điền đối với đất nông nghiệp. Ở góc độ khác, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, quy định hạn điền trong dự thảo luật là cần thiết. Hạn điền quy định 10ha là vừa với ND. Còn các công ty, doanh nghiệp muốn có diện tích lớn hơn hạn điền thì thực hiện theo dự án...

Không để ND thiệt

Thu hồi đất đai, bồi thường, tái định cư là một trong những nội dung được quan tâm nhất. Nhiều quy định mới, tiến bộ đã thể hiện rõ hơn trong dự thảo luật, nhưng các đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo ND không bị thiệt thòi, yếu thế trong thu hồi đất đai. Về Khoản 3, Điều 58 của dự thảo, theo Phó ban Kinh tế Phạm Hữu Văn, cần phân biệt, tách bạch thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia với thu hồi đất vì dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Thực tế thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng, dân dễ thông hơn. Nhưng đối với việc thu hồi đất vì các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nơi dân bức xúc, khiếu kiện phức tạp kéo dài” - ông Văn lý giải.

Các đại biểu nhất trí với phương án định giá đất theo thị trường, trong đó có căn cứ biến động của thị trường như Điều 109 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ông Nguyễn Tuấn Anh- Ban Tuyên huấn, thì việc bồi thường trong thu hồi đất không chỉ sát giá thị trường mà còn phải sát hiện trạng, hiệu quả sử dụng đất tại thời điểm thu hồi. Bởi, thực tế, đất trồng cây cảnh có khi giá trị lên tới cả trăm triệu đồng/sào, gấp hàng chục lần so với đất trồng màu hoặc nuôi trồng một số cây, con khác.

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan - Ban Kiểm tra đề nghị ở điểm b Khoản 5, Điều 69 cần quy định rõ thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bà Loan lý giải, nhiều địa phương chậm chạp cấp giấy chứng nhận làm ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất.

Ông Nguyễn Minh Doanh - Phó ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng và An ninh kiến nghị: “Cần thiết phải có đơn vị độc lập trong định giá đất. Việc bồi thường khi thu hồi đất nếu thực hiện chậm 6 tháng trở lên thì phải có khoản hỗ trợ trượt giá...”.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam: Cần nâng mức bồi thường

Thu hồi đất làm dự án hay khu công nghiệp là rất cần thiết, nhưng cần phải triển khai ngay khi thu hồi và phải có những biện pháp giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong thời gian qua, không riêng gì tại Quảng Nam mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, có rất nhiều dự án đã thu hồi đất của dân, nhưng cuối cùng lại “treo” 5 năm hay 10 năm, làm ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội của người nông dân, lãng phí tài nguyên đất đai, vì người dân chủ yếu sống dựa vào nghề nông. Theo tôi, phải chấn chỉnh quyết liệt việc thu hồi đất nông nghiệp của người nông dân, cần phải căn cơ, cụ thể, thống nhất, thu hồi phải làm liền chứ không giậm chân tại chỗ như thời gian qua. Thứ hai, trước khi thu hồi đất của người nông dân, phải nâng mức bồi thường lên; ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ ra cần phải có chính sách dạy nghề tại chỗ cho người dân ít nhất 3-5 tháng, nghề đó phải có thu nhập để cuộc sống của người nông dân được cải tiến và phát triển hơn nơi cũ. Chứ không phải thu đất xong là “tước” đi quyền lao động của người dân.

Ông Trần Quang Minh - Phó Giám đốc Sở TNMT Bến Tre: Cho phép dân làm nhà tạm ở vùng quy hoạch

Đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép người dân ở trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất trong thời gian dài nhưng chưa có quyết định thu hồi đất được phép làm nhà tạm. Bởi có ở trong khu “quy hoạch treo” mới thấy nỗi khổ của người dân sống ở đó. Do vậy, việc cho phép người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép làm nhà cấp 4 ở trong khu vực này để phục vụ sinh hoạt của mình vừa tránh tiêu cực do người dân “đi cửa sau” để sửa nhà, làm nhà, đồng thời bảo đảm điều kiện sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường. Đến khi nào Nhà nước chính thức có quyết định thu hồi đất, lúc đó mới thực hiện theo quy định của pháp luật.

TS Phan Trung Hiền - Phó Trưởng khoa Luật (trường ĐH Cần Thơ): Sớm giải quyết những cái “chưa”

Khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài các thiệt hại hữu hình về giá trị quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi, còn có là các thiệt hại vô hình khác như: Phải chuyển đổi nghề nghiệp, phải rời xa ngôi nhà đã gắn bó nhiều năm, mất địa thế kinh doanh, thay đổi tập quán sống, tập quán định cư, ảnh hưởng đời sống tâm linh khi mồ mả phải bốc dỡ... Tuy nhiên, Chương VI của Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) vẫn chưa ghi nhận toàn bộ những thiệt hại vừa nêu. Cụ thể là chưa tính đến các thiệt hại vô hình, thiệt hại tinh thần, thiệt hại lâu dài và các thiệt hại cho cộng đồng dân cư; đặc biệt cần phải bổ sung vấn đề xác định thiệt hại đối với những cá nhân, hộ gia đình tuy không có đất bị thu hồi nhưng chịu những thiệt hại. Chưa có giải pháp căn cơ cho việc thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả, đặc biệt đối với người nông dân mất đất sản xuất phải “ly nông”. Chưa có những quy định thích hợp để nguyên tắc hoàn thành khu tái định cư trước khi thực hiện dự án trở thành hiện thực. Chưa tính đến việc thay đổi tập quán định cư khi tính toán xây dựng khu tái định cư phù hợp với đời sống người dân địa phương. Nếu không giải quyết những cái “chưa” nói trên, nông dân còn mãi thiệt thòi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem