Còn hạn điền còn nghèo

Thứ năm, ngày 25/10/2012 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Ngày nào còn hạn điền thì ngày ấy nông nghiệp còn nghèo vì không cạnh tranh nổi” - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị khẳng định như vậy.
Bình luận 0

Hạn điền đồng nghĩa với tụt hậu

Sau Đại hội Đảng lần VI, Tỉnh ủy An Giang chủ trương khai hoang phục hóa đất nông nghiệp, đồng thời điều chỉnh đất đã vào các Hợp tác xã (HTX), tổ đội sản xuất (TĐSX). Riêng đất hoang thì cấp lần đầu là 3ha, phần nông dân mở rộng thêm thì cho mượn bao nhiêu cũng được. Nhờ đó mà khai thác vùng tứ giác Long Xuyên rất nhanh, đưa An Giang lên đứng đầu và nay là tốp đầu về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu lương thực.

img
An Giang đang đứng trong tốp đầu về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu lương thực.

Khi Luật Đất đai ra đời ngày 19.12.1987 và sau đó là 1993, Tỉnh ủy thấy yên tâm là mình không sai. Còn quyền sở hữu hay quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâu dài thì nông dân thấy cũng tạm yên tâm với chữ "lâu dài" so với khi còn trong HTX-TĐSX mà không màng tới cái "thời hạn 20 năm" - thậm chí có người không biết. Nhưng là tài sản của họ, không ai xâm phạm.

Từ khái niệm cấp đất đến công nhận đất mua bán, sang nhượng để cấp quyền sử dụng và công nhận QSDĐ, trong quản lý không phân biệt nên có tình hình phổ biến là ai “vượt hạn điền” thì nhờ người khác đứng tên, vừa né hạn điền, vừa né thuế lũy tiến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này.

Việc này tạo ra tâm lý không yên về một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; vừa tạo ra sự trắc trở, bội tín trong nội bộ nông dân, gia đình và họ hàng vì đứng tên giùm rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn; góp phần cùng nhiều chủ trương không phù hợp khác sinh ra văn hóa nói dối và xã hội cũng chấp nhận nói dối công khai nhưng không thành văn.

Còn chính quyền thì nghĩ rằng cái hạn điền là cái khung bất khả xê dịch cho người dân, nhưng với chính quyền lại có thể tùy nghi vận dụng trong quản lý, trong thủ tục thu hồi đất và cấp đất, trong xét xử tranh chấp. Cái tùy nghi - tùy tiện ấy là cái hấp dẫn mà chính quyền không muốn sửa luật, nhưng lại càng làm tăng thêm tâm lý không yên trong nhân dân.

Nay nếu cần thì Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn để là "Đất cấp lần đầu không thu tiền là 3ha", còn công nhận quyền sử dụng (hay sở hữu) do mua bán, sang nhượng để lập trang trại thì không hạn điền. Ngày nào chúng ta còn tính sống với cái bình quân đất đai trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy ta chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Lạc hậu đồng nghĩa tụt hậu và không tồn tại.

Thử tính một nông dân có 3ha đất, có 2 con, có 4 cháu, tính từ con thứ hai ra đời đến cháu (nội - ngoại) tròn 20 tuổi lập gia đình là khoảng trên dưới 40 năm - một thế hệ lao động; vậy từ một trung nông đến con sẽ là bần nông, rồi đến cháu là bần - cố nông ( vì phải làm thuê thêm mới đủ sống). Tôi đã chứng kiến quá trình bần cùng hóa này với những gia đình có họ tên cụ thể từ 1975 đến nay.

Cái hạn điền không nói lên bản chất cách mạng mà bản chất cách mạng tam nông là năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp; là sự thịnh vượng của xã hội và môi trường nông thôn; là hạnh phúc của nông dân. Tam nông thành công thì ngoài chính sách trực tiếp, việc giảm nhân khẩu nông nghiệp cũng là điều kiện tiên quyết. Khi giáo dục dạy nghề đi đúng quỹ đạo, phân công lại lao động trên quy mô xã hội thì cái hạn điền tự nó sẽ không còn.

Thời hạn sử dụng đất không vững chắc

Cùng với hạn điền và thời hạn sử dụng đất gọi là lâu dài (3ha và 20 năm) tự nó như nói lên cái gì không minh bạch và không vững chắc. Ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, đất nông nghiệp ít hơn ta, điều kiện trồng lúa nước rất là khó khăn, nhưng họ chỉ cấp đất lần đầu trong cải cách điền địa và sau đó để cho nông dân tự trang trải nhau mà không can thiệp, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ tối đa về mọi mặt, nhất là khoa học công nghệ và tài chính - tín dụng, hướng dẫn hợp tác sản xuất; đặc biệt họ còn đóng cửa thị trường lương thực - nông sản cho đến bây giờ trước sức ép liên tục của Mỹ và các nước. Họ muốn nông dân, nông thôn ổn định bền vững, đất nước an ninh - thịnh vượng.

“Ngày nào chúng ta còn tính sống với cái bình quân đất đai trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy ta chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu”.

Chúng ta quá nhấn mạnh tính đặc thù của ruộng đất Việt Nam, mà không phải chỉ có đất. Vậy có khách quan không? Chỉ khác là ta thu hồi và cấp lại bình quân, còn nhiều nước như vừa kể thì họ mua lại và cấp có hạn điền (cho lần đầu mà thôi). Nhận đất chia từ tước đoạt chưa chắc hàm ơn Chính phủ nhiều hơn từ đất mua là một thực tế ở miền Nam trong cải tạo nông nghiệp sau 1975.

Hiện nay ta chỉ công nhận QSDĐ lâu dài cho nông dân (20 năm) và QSDĐ đối với các dự án, kể cả của tư nhân và người nước ngoài (50 năm) thì trong thời hạn đó, họ hoàn toàn có quyền như quyền sở hữu nhưng thực chất lại không phải sở hữu. Đây là cái không minh bạch của luật, gây tâm lý không yên.

Vậy thì ta không nên kỹ thuật hóa câu chữ chỉ vì "định hướng xã hội chủ nghĩa", mà định hướng là còn xa, còn tâm lý không yên là cái thường trực tồn tại xã hội, gây vướng mắc nhận thức và lúng túng, tiêu cực trong hành động do bị cán bộ quản lý không tốt lợi dụng và nông dân thì lại không yên tâm đầu tư vào đất cho lâu dài vì "tuổi thọ" QSDĐ cũng tương đương "tuổi thọ"một chiếc ôtô do ngành giao thông quy định.

Nếu ban soạn thảo sửa luật lần này vẫn chưa chấp nhận quyền sở hữu đất của tư nhân thì phải nói rõ hạn điền (3ha) là đất cấp lần đầu không thu tiền, còn công nhận QSDĐ thì không có hạn điền, không có thời hạn và chỉ dùng thuật ngữ "lâu dài" là đủ. Nếu có giải thích liền theo đó hoặc nghị định sau đó cũng giải thích là "sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch" thì không có thời hạn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem