Bỏ làm cán bộ, anh nông dânThái Nguyên về trồng dâu tây, cây lạ, nhiều người đến xem

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 11/04/2022 06:01 AM (GMT+7)
Nghỉ công việc tại Hội Nông dân, anh Nguyễn Tiến Anh (xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) về làm nông trại trồng dâu tây, trồng cây lạ, xây dựng mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp.
Bình luận 0

Clip: Anh Nguyễn Tiến Anh (xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) giới thiệu về mô hình trồng dâu tây, làm nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm của mình.

Trước đây, anh Nguyễn Tiến Anh (trú tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) công tác trong Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ. Sau 16 năm gắn bó, anh đã quyết định nghỉ việc để về làm nông nghiệp kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Nghỉ làm cán bộ theo đam mê nông nghiệp sinh thái

Tháng 9/2021, anh Tiến Anh hợp tác với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và xây dựng nông trại trồng dâu tây với tổng diện tích 4,6ha. Đây là mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp trải nghiệm đầu tiên tại TP.Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 2.

Mô hình nông nghiệp sinh thái trải nghiệm kết hợp dịch vụ ăn uống của anh Nguyễn Tiến Anh. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo anh Tiến Anh, bản thân anh đã theo đuổi ngành nông nghiệp được khoảng 10 năm. Lúc đầu, anh trồng rau mầm, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí còn xuất khẩu sang cả nước Nga.

Sau khi mô hình phát triển ổn định, anh đã chuyển giao công nghệ cho rất nhiều hộ dân sản xuất. Nhưng đến nay, cây rau mầm gần như bão hòa về vấn đề cung cầu trên thị trường nên anh chuyển sang phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp trải nghiệm.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 8.

Bước sang tháng 4 là thời điểm gia đình anh Tiến Anh bắt đầu nhân giống và chuẩn bị cây giống. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Tiến Anh chia sẻ, việc phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp xuất phát từ mong muốn liên tục thay đổi những giống cây trồng mà những người làm vườn khác tại địa phương không trồng được.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu khám phá trải nghiệm nông nghiệp của du khách, đặc biệt là du khách ở các thành phố lớn. Trong đó bao gồm học sinh, sinh viên, du học sinh đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP.Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình này còn hướng tới việc phục nhu cầu nghiên cứu của những sinh viên làm đề án tốt nghiệp.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 3.

Vườn dâu tây của anh Tiến Anh vừa để phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm vừa phục vụ sinh viên đến nghiên cứu (Ảnh: Hà Thanh)

Du khách đến với khu sinh thái không chỉ được tận mắt chứng kiến công việc làm vườn mà còn được trực tiếp tham gia trải nghiệm làm vườn, thu hoạch hoa, trái và thưởng thức các sản phẩm do nông trại sản xuất ra như dâu tây, cà chua bạch tuộc, dưa mỹ, dưa lê tứ mùa…

"Chỉ tính riêng diện tích trồng dâu tây này, dự tính mỗi năm sẽ cho sản lượng khoảng 3 tấn quả. Với giá bán như hiện tại bình quân 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng," anh Tiến Anh cho hay.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 9.

Thời điểm này, sản lượng quả dâu tây không nhiều. (Ảnh: Hà Thanh)

Bên cạnh trồng dâu tây lấy quả, gia đình anh còn làm cây dâu tây giống xuất bán ra thị trường. Đến nay, gia đình anh đã xuất bán khoảng 40.000 cây dâu tây giống đi các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Huế, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn… với giá bán trung bình 8.000 đồng/cây.

Thành công bước đầu

Theo anh Tiến Anh, thời điểm thích hợp để trồng dâu tây bắt đầu từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Do vậy, để đảm bảo số lượng, chất lượng cây giống xuất bán ra thị trường, gia đình anh thường bắt đầu nhân giống và chuẩn bị cây giống cho bà con sản xuất vụ đông từ tháng 4.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 7.

Dự tính mỗi năm, vườn dâu tây của anh Tiến Anh sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả (Ảnh: Hà Thanh)

Cây dâu tây ra quả quanh năm nhưng thời điểm ra quả nhiều nhất là từ cuối tháng 11 năm trước đến cuối tháng 2 năm sau. Thời điểm từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 7, cây dâu tây bắt đầu đẻ nhánh, do đó, đây cũng là thời điểm chính sản xuất cây giống.

Trong quá trình chăm sóc cần chú ý 3 yếu tố sương muối, sâu rệp và bệnh thối rễ. Nếu bị sương muối khi nắng lên, cây dâu tây sẽ bị cháy lá. Do vậy, khi xuất hiện sương muối, người trồng phải tưới rửa sương vào buổi sáng.

Còn khi xuất hiện sâu rệp, biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt tỉa bớt lá và tiêu hủy lá tỉa, sau đó rắc vôi, phun thuốc đặc trị.

Riêng bệnh thối rễ là do độ ẩm của đất quá cao. Do vậy, cần hạn chế tưới nước sao cho độ ẩm của đất đạt ngưỡng 70% trở xuống. Vì 3 yếu tố trên liên quan mật thiết với nhau, do đó người trồng cần phải hết sức chú ý trong quá trình chăm sóc.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 4.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp của anh Tiến Anh. (Ảnh: Hà Thanh)

Với mô hình sinh thái nông nghiệp trải nghiệm như hiện nay, gia đình anh Tiến Anh đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Dự kiến trong thời gian tới, gia đình anh sẽ đầu tư khoảng 5.000m2 nhà kính. Trong đó, khoảng 2.000m2 diện tích để trồng rau hữu cơ, 2.000m2 trồng hoa và 1.000m2 còn lại anh sẽ trồng dâu tây trên giàn.

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 6.

Ngoài dâu tây, tại nông trại còn trồng nhiều loại cây trồng khác như su su, dưa mỹ, dưa lê tứ mùa… (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Cán bộ Hội nông dân chuyển về làm nông trại trồng dâu tây mới lạ, thu nhập cao - Ảnh 5.

Cà chua bạch tuộc được trồng tại nông trại của anh Tiến Anh. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Tiến Anh chia sẻ, khó khăn hiện nay của anh là điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương không được thuận lợi như các địa phương khác. Do đó, một số loại cây chưa trồng thành công như mong muốn và anh vẫn đang trồng thử nghiệm các loại cây này.

Bên cạnh đó, chi phí cho việc thử nghiệm rất cao, gia đình anh rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp ngành, cơ quan chuyên môn địa phương để giúp mô hình đi vào sản xuất ổn định và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem