Đến nhà một ông tỷ phú nông dân Thái Nguyên xem cách nuôi gà đẻ điều khiển bằng điện thoại thông minh

Hà Thanh Thứ năm, ngày 31/03/2022 13:02 PM (GMT+7)
Bằng hệ thống công nghệ được kết nối với điện thoại, anh Phạm Văn Trường (xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có thể quản lý sát sao trang trại 20.000 con gà mái và 17 lò ấp trứng một cách nhàn tênh.
Bình luận 0

Xuất bán trên 1 triệu con gà giống

Gia đình anh Phạm Văn Trường là một trong những hộ gia đình sản xuất con giống gia cầm lớn nhất hiện nay trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Ông nông dân nuôi gà ấp trứng, ứng dụng công nghệ số hiện đại giúp giảm chi phí và tăng thu nhập - Ảnh 1.

Hiện toàn bộ chuồng trại của gia đình anh có tổng diện tích mặt sàn khoảng 6.000m2, chưa kể các hệ thống phụ trợ. Ảnh Hà Thanh.

Gia đình anh Trường bắt đầu sản xuất ấp nở con giống từ năm 1996. Toàn bộ trứng dùng để ấp ở khi đó được gia đình anh thu mua ở khắp nơi.

Lúc đầu, gia đình anh có 5 lò ấp với công suất 1,9 vạn trứng/lần ấp (21 ngày). Dần dần anh Trường phát triển quy mô và đến nay đã có tất cả 17 lò ấp.

Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng trên 1 triệu con giống với giá bán bình quân 7.000 đồng/con. Với giá bán như hiện nay, trung bình anh lãi khoảng 1.000 đồng/quả trứng.

Giống gà được gia đình anh Trường ấp hiện nay chủ yếu gồm 2 loại: Con lai giữa gà Đông Tảo với gà mẹ Lương Phượng và con lai giữa gà chọi và gà mẹ Lương Phượng. Con giống lai từ các giống gà trên cho năng suất cao và chất lượng thịt thơm ngon.

Đến năm 2008, để đảm bảo chất lượng con giống bán ra thị trường cũng như nguồn trứng đầu vào cho việc sản xuất con giống, gia đình anh Trường bắt đầu nuôi gà ấp trứng với 2.000 con gà bố mẹ.

Năm 2020 sau khi đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo hướng hiện đại, anh tiếp tục phát triển thêm số lượng gà bố mẹ. Đến nay, gia đình anh có tất cả 20.000 con gà mái. Toàn bộ số gà này đều được thụ tinh nhân tạo.

Thái Nguyên: Ông nông dân nuôi gà ấp trứng, ứng dụng công nghệ số hiện đại giúp giảm chi phí và tăng thu nhập - Ảnh 2.

Hệ thống công nghệ thông minh được anh Trường kết nối với máy tính, điện thoại để điều khiển và kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng nuôi. Ảnh Hà Thanh.

Nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao

Do ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nên hiện nay với 20.000 gà mẹ và 17 lò ấp hoạt động quanh năm nhưng gia đình anh chỉ thuê 5 lao động trực tiếp tham gia sản xuất.

Tất cả quy trình trong trang trại đều được vận hành bằng hệ thống công nghệ thông minh tự động và bán tự động kết nối với điện thoại, máy tính. 

Qua đó, anh có thể điều khiển, kiểm soát, giám sát các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, cường độ ánh sáng,... cho phù hợp với con gà và tránh được những rủi ro do tác động của môi trường không cần thiết.

Ví dụ, về hệ thống cảm biến nhiệt, nếu nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, hệ thống sẽ tự động bật quạt thông gió. 

Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời lên quá cao, hệ thống làm mát bằng nước sẽ tự động bật. Còn nếu nhiệt độ xuống thấp dưới mức bình thường thì hệ thống quạt tự động giảm dần. 

Như vậy, nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được kiểm soát, phù hợp với sự phát triển của gà trong từng thời điểm.

Tương tự, đối với các hệ thống như hệ thống chiếu sáng và hệ thống cung cấp nước uống cũng như vậy.

Thái Nguyên: Ông nông dân nuôi gà ấp trứng, ứng dụng công nghệ số hiện đại giúp giảm chi phí và tăng thu nhập - Ảnh 3.

Anh Trường đang kiểm tra chất lượng trứng gà. Ảnh: Hà Thanh

Công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong hệ thống chuồng trại của gia đình anh là hệ thống bạt chắn. Đây là bước đột phát trong quy trình xây dựng chuồng trại, đặc biệt đối với trại nuôi gà công nghiệp như hiện nay.

Với hệ thống này, anh Trường có thể điều khiển bạt chắn mở ra, đóng vào một cách tự động thông qua điện thoại. Điều này sẽ giúp con gà tránh được rất nhiều rủi ro do tác động từ môi trường bên ngoài.

Thái Nguyên: Ông nông dân nuôi gà ấp trứng, ứng dụng công nghệ số hiện đại giúp giảm chi phí và tăng thu nhập - Ảnh 4.

Trứng gà được chọn lọc kỹ càng trước khi đưa vào lò ấp. Ảnh: Hà Thanh

Điều đặc biệt, hệ thống này được trang bị bộ giảm giật giúp cho việc bạt chắn mở ra đóng vào rất nhẹ nhàng và êm ái, không tạo ra tiếng động lớn đột ngột. Việc này sẽ giúp cho con gà không bị hoảng loạn bởi tiếng động khi đóng bạt.

Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất đã giúp cho gia đình anh Trường tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhất là chi phí nhân công và đầu tư.

Ngoài ra còn giúp gia đình anh quản lý quá trình sản xuất được tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm con giống, tránh được rất nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Điều đáng nói, tất cả các hệ thống thiết bị điều khiển trên đều do anh Trường tự tìm tòi, nghiên cứu trên mạng và đấu nối.

Với mô hình nuôi gà ấp trứng kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh như hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình anh Trường thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Hiện nay, con giống gia cầm của gia đình anh được xuất bán đi hầu khắp các tỉnh phía Bắc và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem