Mới đây, trong buổi họp báo thông tin thường niên của Bộ LĐTBXH (ngày 21.9) bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục Quan hệ lao động, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định hiện nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động.
Chính phủ, Nhà nước phải có quy định về chế độ tiền lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp… nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu của họ, cho nên đã nói đến nền kinh tế thị trường có đàm phán thì phải có lương tối thiểu. Điều này đảm bảo cho những lao động có tay nghề, làm đủ ngày công, không vi phạm kỷ luật… được chủ lao động trả cho một mức lương cơ bản không quá thấp, để duy trì cuộc sống, tái sản xuất sức lao động.
Mặt khác bà Minh cho rằng, tiền lương tối thiểu chỉ là mức lương sàn để hai bên thỏa thuận về tiền lương. Còn mức lương của người lao động phải tùy thuộc vào kỹ năng, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, mức lương của người lao động phải là mức lương bình quân, mức lương thực nhận được thỏa thuận chứ không phải là mức lương tối thiểu.
Lương tối thiểu là lương sàn để chủ sử dụng và người lao động làm căn cứ đàm phán mức lương trung bình. Ảnh: I.T
Khi bàn về tăng lương tối thiểu Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã tính đến sự tác động của nó với nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh chịu tác động lớn bởi lương tối thiểu. Trong đó có 4 ngành là: Dệt may, da dày, thủy sản, chế biến gỗ. Đây là 4 ngành sử dụng lao động phổ thông, nhiều lao động cho nên đa phần các doanh nghiệp vẫn trả lương bằng hoặc nhích hơn 1 chút so với lương tối thiểu vùng, bởi phần lớn lao động làm trong ngành này là gia công, giá trị sản phẩm thấp, năng suất lao động thấp.
“Như vậy lương tối thiểu chỉ là cơ sở để doanh nghiệp và lao động thỏa thuận tiền lương, đảm bảo rằng mức lương thực nhận không thấp hơn lương tối thiểu nhưng vẫn phải đảm bảo dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của doanh nghiệp” – bà Minh khẳng định.
Bà Tống Thị Minh khẳng định không thể bỏ lương tối thiểu vùng.
Ảnh: I.T
Bà Minh cũng cho biết, hiện tại căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để Chính phủ đã có những điều chỉnh tỷ lệ tăng lương hàng năm cho phù hợp. Lương tối thiểu trong giai đoạn hiện tại đã tăng chậm lại (chỉ ở 1 con số trong khoảng hơn 6-7% năm) vì mức lương đã gần tiệm cận được với mức sống tối thiểu. Những giai đoạn trước lương tối thiểu vùng tăng nhanh là bởi mức lương cách xa mức sống tối thiểu. “Mức tăng lương này phù hợp với nhu cầu, mong mỏi của người lao động nhưng vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới” – bà Minh nhấn mạnh.
Trước đó, trong nhiều chuyên gia kinh tế có tiếng cho rằng tăng lương tối thiểu quá cao ở Việt Nam trong thời gian qua đang làm suy giảm sức mạnh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, nên bàn cơ chế trả lương theo giờ, khuyến khích đàm phán tăng lương, thay vì duy trì lương tối thiểu vùng như hiện nay.
Hiện nay mức lương tối thiểu vùng của Việt Nam đã dừng ở mức 1 con số (năm 2017 là 7,3%). Vào tháng 8.2017 vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đã chốt phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% và trình phương án này lên Chính phủ. Mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm của Việt Nam được tính toán dựa trên tỷ lệ bù trượt giá (chỉ số CPI), cộng thêm với năng suất lao động, cộng với chỉ số tăng lương. Mục tiêu lương tối thiểu phải dựa trên năng suất lao động và đáp ứng mức sống tối thiểu
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.