Nhiều điểm sáng
Từ 3 tiêu chí đạt và cơ bản đạt là điện, bưu điện và nhà ở (năm 2012), sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo xã Nguyễn Trãi giờ đây đã thay đổi rõ rệt, đời sống của nhân dân được nâng cao, 9/9 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa... Kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt trên 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,97%.
Đến hết năm 2018, cùng với xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín còn có 4 xã khác là Văn Tự, Vân Tảo, Hiền Giang và Dũng Tiến cũng về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 24/28 xã.
Còn tại xã Vân Tảo, dù đã đạt chuẩn NTM, nhưng chính quyền và nhân dân đã xác định không dừng lại. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Bùi Công Thản, xã đang tiếp tục công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường với mục tiêu xây dựng xã Vân Tảo đạt chuẩn NTM nâng cao.
Người dân cắt tỉa, tạo tán cho các gốc đào cổ thụ trước khi đưa đi trồng ở xã Vân Tảo
(huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
Được biết, Vân Tảo là một trong những xã có bước phát triển nhanh về nông nghiệp, trong đó phải kể tới việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa đào, với gần 1.000 hộ tham gia trồng trên diện tích hơn 100ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Thai và Nội Thôn.
Theo tính toán sơ bộ của xã Vân Tảo, mỗi ha trồng hoa đào mang lại thu nhập trung bình từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần tăng thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,78%.
Phấn đấu nâng chuẩn
Hiện, toàn huyện Thường Tín đang tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của người dân; vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên kết, chuyển đổi ruộng đất để hình thành các khu nông nghiệp tập trung, thuận lợi cho sản xuất.
Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa ở các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; Vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; Vùng cây ăn quả tại các xã Chương Dương, Tự Nhiên; Vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…
Tính từ năm 2016 đến đầu năm 2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện Thường Tín đạt trên 1.483 tỷ đồng. Riêng về phát triển giao thông, UBND huyện đã phân bổ 395 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2019. |
Trong năm 2019, Thường Tín đang phấn đấu đưa 4 xã còn lại là Hòa Bình, Tiền Phong, Thư Phú, Lê Lợi đạt chuẩn, nâng tổng số xã hoàn thành xây dựng NTM lên 100%. Cả 4 xã này đều là những xã khó khăn nhất của huyện trong thực hiện chương trình xây dựng NTM và hiện mới đạt từ 15 - 16 tiêu chí/xã.
Ông Hoàng Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho hay, để về đích NTM trong năm 2019, xã đang huy động các nguồn lực để thực hiện 2 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể, đối với tiêu chí trường học, xã đang đầu tư xây dựng trường mầm non trung tâm ở thôn Quần Hiền và xây dựng mở rộng trường THCS Hòa Bình.
Đối với tiêu chí về vệ sinh và an toàn thực phẩm, xã đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề thực hiện các quy định về môi trường.
Ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện và các xã xác định quyết tâm đạt mục tiêu đưa 4 xã còn lại về đích NTM trong năm 2019, trở thành huyện NTM vào năm 2020.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ông Huy cho biết, huyện sẽ tập trung đôn đốc các xã hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí mềm, đặc biệt là 4 xã đang phấn đấu về đích. Bên cạnh đó, huyện sẽ bố trí nguồn vốn các dự án trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các xã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu, về đích đúng hẹn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.