32.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Hà Nội

Thứ sáu, ngày 23/04/2010 09:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - UBND TP. Hà Nội đã xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới, với tổng vốn đầu tư 32.000 tỷ đồng. Tiêu chí thì hay nhưng rất khó biến các tiêu chí đề ra thành hiện thực.
Bình luận 0
img
Nhà ở, đường xá khang trang tại thôn Đoài (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Nhiều mục tiêu lớn

Ông Trịnh Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có tới hơn 4 triệu nông dân, chiếm 63,1% dân số Thủ đô. Hiện ngoài 10 quận nội thành, Hà Nội có tới 18 huyện và 1 thị xã (gồm 401 xã), với diện tích 2.841,8km2, chiếm 84,9% diện tích tự nhiên của thành phố.

Để phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại thì trước mắt cần quan tâm đầu tư phát triển vùng nông thôn, xóa dần khoảng với các đô thị. Định hướng xây dựng nông thôn mới của Hà Nội là phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Để thực hiện mục tiêu đó, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng Đề án "Xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030", với mức đầu tư gần 32.000 tỷ đồng. "Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2010 - 2015 đạt 40-45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tới 2020 đạt 80-90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới..." - Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng khẳng định.

Theo Đề án, tới năm 2012 sẽ hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 100% số xã.

Tới 2015, hoàn thành cơ bản việc nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường liên xã, trục xã, trục thôn xóm. Đầu tư xây dựng mới 1.033 trạm, cải tạo nâng cấp 693 trạm biến áp, kéo thêm 226,25km đường dây trung cao thế và 972,72km đường dây hạ thế, để tới 2015 toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn được giao cho ngành điện quản lý, thực hiện bán điện trực tiếp tới các hộ sử dụng điện. Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu tới 2013, 80% số thôn có Internet.

Tiêu chí... trên trời!

Ông Nguyễn Tiến Thắng - đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho rằng, ngoài việc xây dựng các tiêu chí xã hội không thực tế, những người làm đề án lại "quên" hẳn mảng du lịch là thế mạnh của Hà Nội sau khi mở rộng. "Chúng ta có nhiều điểm du lịch đã được thế giới công nhận, vì sao không tận dụng điều đó để phát triển kinh tế xã hội Thủ đô?" - ông Thắng đặt câu hỏi.

Đề án về cơ bản được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến cho rằng những tiêu chí đặt ra trong đề án không thực tiễn. Theo bà Bùi Thị An - đại biểu HĐND TP. Hà Nội, đề án được UBND thành phố “vẽ ra” khá đẹp, nhưng rất khó biến các tiêu chí đề ra thành hiện thực.

"Nếu chúng ta lấy người nông dân làm tâm điểm của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... Thủ đô trong thời gian tới thì trước tiên chúng ta cần hiểu họ để biết họ thiếu gì, muốn gì và cần gì chứ không nên áp theo ý muốn chủ quan của những người xây dựng đề án..." - bà An góp ý.

Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tiêu chí đến 2015, 100% số người dân được dùng nước hợp vệ sinh là không tưởng. Ông Tuấn cho rằng chỉ có thể là 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, bởi có rất nhiều người dân còn giữ thói quen dùng nước giếng khoan bị nhiễm asen và các tạp chất khác khá cao.

Với tiêu chí tới năm 2015, 100% các xã thu gom rác thải, Giám đốc Sở Y tế cũng tỏ ra khá bức xúc: "Đưa ra tiêu chí như vậy, nhưng lại chỉ có 60% trong số đó được thu gom tập trung để xử lý, vậy còn 40% còn lại sẽ đổ đi đâu và xử lý ra sao?".

Còn ông Hoàng Thanh Vân - Bí thư Huyện ủy Ba Vì thì lo ngại: "Đọc đề án tôi thấy rất phấn khởi, nhưng cũng lo rằng khó trở thành hiện thực. Với số vốn gần 32.000 tỷ đồng đầu tư cho 401 xã, nếu chia đều ra thì mỗi xã trung bình chỉ được đầu tư gần 80 tỷ đồng. Trong khi đó đề án lại đặt ra quá nhiều tiêu chí, liệu có xảy ra trường hợp đầu tư dàn trải để rồi cái gì cũng dở dang?...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem