Chưa khai giảng, phụ huynh đã chóng mặt với các khoản phí đầu năm học

Tào Nga Thứ hai, ngày 15/08/2022 15:16 PM (GMT+7)
Có 2 con năm nay vào lớp 3 và lớp 6, chị Nguyễn Thanh Huyền chóng mặt khi chưa vào năm học mới nhưng đã liên tiếp nhận các thông tin về các khoản phí phải đóng.
Bình luận 0

Nhiều khoản thu đầu năm học

Đến hẹn lại lên, câu chuyện các khoản thu đầu năm học bắt đầu nóng dần. Dù chưa khai giảng nhưng phụ huynh liên tiếp nhận thông báo các khoản cần phải đóng.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, một phụ huynh có con năm nay học lớp 3 và lớp 6 trường công lập ở Hà Nội bắt đầu chóng mặt với các khoản phải chi cho con đầu năm. Theo chị Huyền, vào tháng 7 vừa qua, ngay sau khi con chị đăng ký thành công vào lớp 6 của trường đã nhận được danh sách 2 khoản cần đóng là sách giáo khoa và đồng phục.

"Thấy giá sách công bố chỉ khoảng 200.000 đồng nhưng thực tế tiền sách của con phải mua hết hơn 500.000 đồng với 22 đầu sách. Tôi còn phải mua cặp, hộp bút, bút, thước, bọc vở, nhãn vở... cũng thêm một khoản.

Chưa khai giảng, bố mẹ đã chóng mặt với các khoản phí đầu năm - Ảnh 1.

Ngoài tiền sách giáo khoa, phụ huynh còn đóng tiền đồng phục, quỹ lớp, quỹ trường và xã hội hóa. Ảnh minh họa: Tào Nga

Ngoài ra còn tiền đồng phục cho con. Đồng phục thì mỗi người sẽ tự lựa chọn số lượng mua nhưng nhà tôi tiết kiệm lắm cũng mất 1,5 triệu đồng cho con bao gồm 2 bộ mùa hè thay đổi, 1 bộ mùa đông, 1 bộ thể dục, áo khoác, gi lê.

Bắt đầu từ tháng 8, con đến trường học thì tôi cũng phải đóng với mức học hè là gần 1,5 triệu đồng. Số tiền này hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện, có thể không cho con học hè. Cùng thời gian này, ban phụ huynh thông báo mỗi người đóng thêm 600.000 đồng để lắp 2 chiếc điều hòa vì lớp con học quá nóng", chị Huyền cho biết.

Và với con học lớp 3, chị Huyền cũng phải chi khoảng 1,8 triệu đồng tiền học ở trường trong tháng 8. Khoản này là tự nguyện, bố mẹ có thể không cho con học hè. Tiền sách giáo khoa khoảng 600.000 đồng đã đóng cho giáo viên cuối năm lớp 1.

Như vậy, tính sơ sơ, chỉ trong vòng 1 tháng, chị Huyền đóng khoảng hơn 7 triệu đồng cho 2 con. Con số này chưa dừng lại ở đó vì vào đầu năm học sẽ mất thêm 5-6 triệu cho các con tiền học phí, quỹ lớp, quỹ trường.

Chị Tô Diễm Quyên, phụ huynh có con học lớp 6 đã chi gần 3 triệu đồng cho con đóng tiền sách giáo khoa và đồng phục trường. "Biết là học sinh đi học phải mặc đồng phục nhưng cứ đầu năm cha mẹ lại phải tốn một khoản để mua cho con", chị Quyên bày tỏ. 

Chị Quyên cũng thắc mắc chuyện mua điều hòa đầu khối. "Khi con vào lớp 1 phải đóng 1 triệu đồng để ban phụ huynh mua điều hòa cho con. Tuy nhiên, sau đó nhà trường yêu cầu phụ huynh phải tặng điều hòa cho nhà trường mới được lắp. Giờ con lên lớp 6 trường khác lại phải đóng tiền mua điều hòa. Nhiều gia đình khó khăn chắc đầu năm học khóc ròng mất", chị Quyên cho hay. 

Nhà trường nói gì?

Liên quan đến vấn đề đồng phục, một hiệu trưởng trường cấp 2 ở Hà Nội cho hay: "Việc mặc đồng phục là quy định bắt buộc và cần thiết đối với các học sinh. Một phần là nhà trường muốn quản lý học sinh khi các em muốn trốn học, đồng thời ngăn học sinh từ bên ngoài vào trường. Một phần, việc học sinh mặc đồng phục tạo nếp cho nhà trường. 

Tuy nhiên phụ huynh có thể mua với số lượng bao nhiêu thì tùy theo nhu cầu chứ nhà trường không ép buộc. Học sinh đầu cấp mới vào trường thì phải mua nhiều hơn, còn học sinh lớp lớn có thể sử dụng lại từ năm trước. Phụ huynh cũng có thể xin lại từ học sinh khác hoặc mua logo về gắn vào áo đồng màu là được".

Nói về chuyện sách giáo khoa, đồng phục và các khoản thu quỹ lớp, xã hội hóa đầu năm, bà Vũ Thu Hương, nguyên Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: "Đây là vấn đề "khổ lắm nói mãi", năm nào cũng đưa ra mổ xẻ. Tiền xã hội hóa là vấn đề bức xúc nhất và không ai giải nghĩa được đó là tiền gì. 

Bất kỳ khoản gì cần chi là lại thu của phụ huynh khiến họ cảm thấy rất khó chịu chứ không phải là chuyện đóng nhiều hay ít. Cuối cùng mọi người không hiểu được tiền học phí, cơ sở vật chất đầu năm đóng cho nhà trường để làm gì. 

Về tiền sách giáo khoa hiện nay của Việt Nam chưa rõ là xã hội hóa hay là bao cấp nên việc mua sách đầu năm học cũng gây nhiều bức xúc cho phụ huynh".

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, sách giáo khoa nên được nhà nước mua và cấp miễn phí cho các học sinh thông qua thư viện trường. Quyền học tập của học sinh bao gồm cả quyền tiếp cận sách giáo khoa. Do vậy nếu sách không được trợ giá phần lớn hoặc miễn phí hoàn toàn, sẽ vẫn gây khó khăn cho các học sinh yếu thế. Nếu không thể cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho 100% học sinh ngay thì nên có cơ chế để học sinh nghèo có thể mượn sách học từ thư viện không tốn phí.

Rà soát, xử lý các vấn đề về học phí và sách giáo khoa. Clip: VNEWS

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem