Bố mẹ không nên động đến một đồng lì xì nào của con cái

Nguyễn Thị Loan (Học viện Thanh Thiếu niên) Chủ nhật, ngày 25/02/2018 11:10 AM (GMT+7)
Tết Mậu Tuất 2018 năm nay, khi đi gửi tiền lì xì Tết cho các con, tôi thấy số dư trong cuốn số của con trai đầu đã là 105 triệu, còn con gái út cũng đạt hơn 90 triệu.
Bình luận 0

Tôi có hai người con, một cháu trai đầu năm nay 14 tuổi, và cháu gái út năm nay tuổi 12. Ngay từ khi các con mới ra đời, tôi đã đề xuất với chồng một kế hoạch. Đó là: lập cho mỗi đứa một cuốn sổ tiết kiệm ở ngân hàng bằng tiền lì xì dịp Tết mà các con tôi nhận được từ ông bà, cha mẹ, người thân thích, họ hàng.

Khi nghe đề xuất như vậy, chồng tôi đã đồng ý ngay và nhiệt tình ủng hộ, bởi cũng như tôi, anh ấy nghĩ rằng số tiền lì xì của các con có thể không nhiều ở mỗi Tết, nhưng qua nhiều năm tích cóp lại thì số tiền sẽ là một món cũng kha khá, bởi các cụ ta từng nói "nhiều nhỏ góp lại thành to", hay "kiến tha lâu cũng đầy tổ".

img

Khoản tiền lì xì của trẻ nhỏ nếu tích góp qua mỗi năm sẽ có được khoản tiền lớn. Ảnh minh họa, IT.

Hơn nữa, mục đích của việc tích cóp tiền thông qua tài khoản gửi ngân hàng như vậy cũng sẽ hướng các con sống có định hướng rõ ràng, có trách nhiệm và tằn tiện trong chi tiêu, biết quý trọng đồng tiền. Hai vợ chồng tôi cũng đưa ra một thỏa thuận là sẽ không động đến bất cứ một đồng nào trong khoản tiền tiết kiệm của các con.

Kế hoạch lập sổ tiết kiệm ngân hàng cho con cả được vợ chồng tôi thực hiện ngay từ lúc cháu mới sinh ra được 6 tháng, khi Tết năm đó con trai được mọi người trong gia đình, dòng họ, bè bạn lì xì một khoản tiền khá nhiều, khoảng gần 7 triệu đồng!

Sổ tiết kiệm được lập tại một ngân hàng mang chính tên bé và tôi là người giám hộ trong việc gửi tiền vào, cũng như có thể rút tiền ra vào một lúc nào đó nếu được sự đồng ý của con. Cứ như vậy, các năm tiếp theo khi Tết vừa qua đi là tôi lại gom hết tiền lì xì của bé để đi gửi vào sổ tiết kiệm.

Rồi đứa con gái ra đời sau cu cậu 2 năm, và tôi lại mở thêm một cuốn sổ tiết kiệm mang tên cháu.


img

Gửi tiết kiệm khoản tiền lì xì cũng là một cách giúp trẻ học biết quý trọng đồng tiền, có định hướng tương lai. Ảnh minh họa, IT.

Tôi không còn nhớ nổi trong khoảng thời gian các con tôi bước vào ngưỡng từ 4 đến gần chục tuổi thì mỗi Tết các cháu được chính xác là bao nhiêu tiền lì xì. Tôi chỉ nhớ mang máng trung bình mỗi cháu được khoảng gần chục triệu một dịp Tết. Gia đình họ hàng nhà tôi rất đông đúc, vì vậy mà năm nào về quê đón Tết cùng ông bà nội - ngoại hai bên các cháu cũng "gặt" được khá nhiều tiền lì xì.

Thậm chí khi biết các con tôi có kế hoạch gửi tiết kiệm ngân hàng tiền lì xì để dành cho tương lai học hành sau này, ông bà, các cô, dì, chú, bác... còn lì xì "động viên" bằng những tờ tiền mệnh giá lớn hơn.

Khi các con tôi đều bước qua ngưỡng tuổi lên 10 thì số tiền tích cóp trong sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng bằng tiền lì xì Tết đều đã ra tấm ra món, nghĩa là mỗi đứa đều đạt tới gần 100 triệu đồng, bao gồm cả vốn và lãi suất!

Mặc dù đã dần lớn và đứa nào cũng đều đã biết tiêu tiền nhưng cả 2 con tôi đều không bao giờ động tới một đồng tiền mà mọi người lì xì cho. Các con tôi đều gom hết lại rồi qua Tết đưa cho mẹ để tôi mang gửi vào ngân hàng.

Nhìn thấy cảnh trẻ nhỏ chi tiêu tiền lì xì Tết vào cờ bạc, vào các trò games vô bổ, tốn thời gian... tôi thấy kế hoạch lập sổ tiết kiệm cho con từ ngày trước, cũng như hướng con có thói quen tiết kiệm tiền bạc, để dành cho tương lai là rất hữu ích.

Có những lúc tôi hỏi các con sẽ có những dự định gì với món tiền tiết kiệm khi bước vào tuổi 18, thì cả hai đều đưa ra những dự định đại loại như dùng số tiền đó để mua một chiếc xe gắn máy dùng làm phương tiện đi học khi vào ngưỡng cửa đại học; mua máy tính, các thiết bị phục vụ việc học hành và thậm chí là phụ thêm cha mẹ việc đóng học phí hàng tháng bằng khoản tiền tích cóp đó.

Khi nghe được những dự định mà các con sẽ chi tiêu khoản tiền tích cóp được từ nguồn tiền lì xì Tết qua nhiều năm đó, tôi thấy vui, vì hết thảy những dự định của các cháu đều hữu ích, phục vụ công việc học hành cho ngày mai lập nghiệp.

img

Tết Mậu Tuất 2018 năm nay, khi đi gửi tiền lì xì Tết cho các con, tôi thấy số dư trong cuốn số của con trai đầu đã là 105 triệu, còn con gái út cũng đạt hơn 90 triệu - một số tiền có thể là chẳng đáng bao nhiêu đối với những gia đình giàu có, nhưng lại là rất lớn với gia đình công chức nghèo như vợ chồng tôi.

Nếu cứ đà này, chắc chắn lúc bước vào 18 tuổi - ngưỡng cửa của người trưởng thành, các con tôi đều ít nhất mỗi đứa có hơn 100 triệu làm vốn liếng, chí ít là phục vụ công việc học hành của chúng và vợ chồng tôi sẽ "nhẹ gánh" được phần nào đó.

Giả sử lúc các cháu học đại học, kinh tế của gia đình vững chãi, chúng tôi cũng sẽ chu cấp đủ đầy để các cháu giữ lại khoản tiền tiết kiệm ấy cho mục đích xa, dài lâu hơn ở tương lai.

Với kinh nghiệm lập tài khoản ngân hàng để tiết kiệm những đồng tiền lì xì Tết cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ, tôi thấy cái lợi quan trọng nhất không phải ở món tiền tích cóp được kha khá, mà là giáo dục, rèn giũa con tính tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền, sống có định hướng cho tương lai, đồng thời không tiêu xài tiền một cách hoang phí, vô bổ.

Rất mong các bậc làm cha làm mẹ có sớm kế hoạch tiết kiệm cho con, đừng để con sử dụng những đồng tiền lì xì theo ý mình, bởi nhiều khi những đồng tiền ấy nó còn phản tác dụng khi làm hư hỏng con bạn, khiến chúng không chú tâm vào học hành, sa đà vào chơi bời, đốt thời gian nơi quán games, bài bạc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem