|
Con bò cái đã giao phối với bò tót (phải) và con bê đã mang những đặc điểm giống bò tót. |
Con bò tót từ Vườn quốc gia Phước Bình trên địa bàn thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận đã về sinh sống với đàn bò của người dân nơi đây cả năm nay, và những ngày qua liên tục gây rắc rối...
“Khách quý” không mời cứ... về
Bò tót ở Vườn Quốc gia Phước Bình thuộc họ bò tót Đông Nam Á (Bos Gaurus Laosiensis hay Bos Gaurus Readei). Theo ông Phạm Ngọc Hoàn - Phó Giám đốc vườn thì hiện tại ở đây có tổng cộng 3 đàn bò tót sinh sống.
Nguyên nhân khiến con bò tót nói trên thường xuyên theo đàn bò nhà đi kiếm ăn là vì nó không đủ sức cạnh tranh với các con bò đực tơ khác trong đàn nên đã phải tách đàn. Trong quá trình kiếm ăn nó bắt gặp đàn bò nhà và đã dần dần hòa nhập.
Để duy trì và bảo vệ nòi giống loài bò tót này theo tôi nên tính toán đến việc cho bò tót rừng giao phối với bò nhà. Chuyện này đã xảy ra ở thôn Bạc Rây 2 (Ninh Thuận). Ngay như ở Thái Lan họ cũng cho phối giống bò tót rừng với bò nhà. Viện Chăn nuôi cũng đã nhập về hai con bò tót lai của Thái Lan để thử phối giống với bò nhà và đã thành công, bò con phát triển tốt.
Ông Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi
Ông Pi Năng Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: Trong hơn 1 năm qua, đã có khoảng 8ha bắp của người dân địa phương bị con bò tót này phá, một em bé chăn bò lấy đá ném nó nên đã bị húc trọng thương.
Tuy nhiên, thực tế không như thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, con bò tót này không hề hung hãn. Chỉ khi có người ném đá, chọc phá quá mức, nó mới phản ứng lại.
Còn chuyện nàng bò nhà được chàng bò rừng “tơ tưởng”, anh Nguyễn Văn Chuẩn - chủ nhân của nàng bò cho biết: Cô nàng bò, sau cuộc “trăng mật” với chàng bò tót đã nằm liệt hơn 3 tháng trời, gia đình đã phải chăm sóc tận lực ròng rã, cô nàng mới bình phục.
Về nghi vấn nàng bò nhà đã sinh một nhóc bê lai bò tót, anh Chuẩn khẳng định là có thực, vì dưới 4 chân của con bê này lông đã nổi màu mốc (điểm đặc trưng của bò tót), ngoài những dấu hiệu như nó to cao hơn hẳn con bê cùng tuổi, không có yếm cổ, không có u lưng, lông gáy phủ dày như lông heo rừng…
Anh Chuẩn vui vẻ kể thêm: Ngay trong đêm con bò mẹ trở dạ thì chính con bò tót này đã về đứng cạnh 2 mẹ con bò cái.
Tìm cách nuôi chung với bò nhà
Về thông tin sẽ thành lập một thảo viên và “cưới vợ” cho con bò tót này có lẽ là điều không tưởng. Vì bò tót chứ không phải là voi rừng cho nên chuyện di dời nó đến nơi ở nhất định là khó thực hiện.
Theo ông Phạm Ngọc Hoàn con bò này đã bị đào thải khỏi đàn nên theo tập tính sinh hoạt của loài động vật này, nó khó lòng nhập đàn trở lại. Do vậy, nếu chú bò tót chịu sinh sống cùng với đàn bò nhà thì cũng là cơ hội cải tiến gen cho đàn bò nhà vốn bé nhỏ, yếu ớt.
Theo ông Hoàn, có lẽ biện pháp duy nhất bây giờ chỉ là làm sao để người dân thôn Bạc Rây 2 tìm cách “sống chung” với bò tót. Quan trọng nhất là cần phải tuyên truyền vận động người dân để họ không gây hại đến con bò tót- loài động vật hoang dã quý hiếm có tên tromg Sách Đỏ.
Đây là việc rất khẩn thiết, vì theo một số người dân địa phương, nếu con bò này còn phá rẫy quá, họ sẽ giết thịt nó. Do vậy, phải tìm mọi biện pháp để bảo vệ tính mạng và hoa màu của người dân địa phương trước sự xuất hiện của vị “khách quý” này.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận:
Để bảo vệ bò tót rừng trước nguy cơ bị săn bắn trộm, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập một tổ chuyên trách gồm 10 người thường xuyên tuần tra ở những khu vực mà bò tót rừng hay xuất hiện để tránh sự nhòm ngó của những đối tượng săn bắn trộm. Đồng thời hạn chế những rủi ro do bò tót rừng gây ra cho người dân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang xem xét phương án thử nghiệm cho bò rừng giao phối với bò nhà để duy trì, bảo tồn giống bò tót này. Tuy nhiên phương án này khó thành công bởi bò tót rừng rất to, nặng khoảng 1 tấn, còn bò nhà thì rất nhỏ bé.
Đình Thắng - Công Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.